Khi người Dao… muốn lớn

18/03/2024 10:36 GMT+7

Đã ngoài 30 tuổi, có vợ con và làm chủ một homestay hơn chục phòng cho thuê, nhưng Triệu Mềnh Kinh ở xóm Nậm Hồng (xã Thông Nguyên, H.Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang) chỉ được công nhận là người trưởng thành sau khi tổ chức lễ cấp sắc. Anh bảo, đối với cộng đồng người Dao, dù là nam giới hay phụ nữ, nếu ai chưa trải qua lễ tục quan trọng này thì dù có râu dài tóc bạc người đó vẫn là ...trẻ con.

Đêm xuống trên bản Dao, một ngày đầu năm không trăng. Trong cái lạnh se sắt và sự yên ắng của bản làng đang say ngủ, tiếng tù và sừng trâu, giọng khấn thành kính của các thầy tào (thầy cúng), tiếng lục lạc xập xòe từ điệu múa tạ ơn… ở nhà Triệu Mềnh Kinh như đan dệt nên những sợi tơ vô hình gắn kết thiên - địa - nhân.

Khi người Dao… muốn lớn- Ảnh 1.

Lễ cấp sắc cho cậu bé người Dao

QUANG PHÚC

Với người Dao, chỉ người đã được cấp sắc, dù ít tuổi, mới được tham gia các công việc hệ trọng của làng, được thổi tù và sừng trâu. Thậm chí, nếu bạn làm chủ bếp cho một lễ cấp sắc, bạn cũng phải là người đã được cấp sắc. Có trải qua lễ cấp sắc mới được coi là đã thực sự trưởng thành, hiểu biết phải, trái ở đời, mới đích thực là con cháu Bàn Vương; khi chết, linh hồn mới được đoàn tụ với tổ tiên.

Lễ cấp sắc không chỉ dành cho nam giới. Phụ nữ người Dao cũng cần được cấp sắc, nhưng họ không được tự làm, mà phải thụ lễ cùng chồng, con trai hoặc con rể. Nhưng nếu một người phụ nữ không được thụ lễ cấp sắc trong đời mình thì con hoặc cháu trong vòng 3 đời vẫn có thể tổ chức cho họ, kể cả khi họ đã mất.

Theo Lý Chời Chán, một anh bạn người Dao công tác trong ngành văn hóa tỉnh Hà Giang, trong tiếng Dao, cấp sắc được gọi là "quá tăng" (quá: từng trải, kinh qua thử thách; tăng là đèn hoặc vật dụng dùng để soi sáng). Có lẽ tên gọi này xuất phát từ nghi lễ thắp đèn soi sáng người thụ lễ. Số đèn sử dụng cho biết thứ bậc của những người được cấp sắc. Bậc đầu tiên được cấp 3 đèn và 36 binh mã; bậc 2 được cấp 7 đèn và 72 binh mã; bậc 3 được cấp 12 đèn và 120 binh mã. Binh mã được coi là sẽ bảo vệ, hỗ trợ "chủ nhân" khỏi những thế lực hắc ám, giúp họ vững vàng, tự tin hơn trong mọi quyết định quan trọng của cuộc đời. Tuy nhiên, cấp sắc 12 đèn (thập nhị tinh) rất ít khi được tổ chức, vì chỉ dành cho những thầy tào thuộc diện "cao tay". Nghi lễ này cũng phức tạp và mất rất nhiều thời gian, công sức chuẩn bị.

Ở gia đình Triệu Mềnh Kinh, để chuẩn bị lễ cấp sắc cho 9 người trong gia đình, họ đã nuôi con lợn cúng suốt trong 7 năm trước đó; tích trữ lương thực, thực phẩm làm cỗ mời bà con, họ hàng suốt 4 ngày 3 đêm làm lễ. Trước, trong và cả sau thời gian thụ lễ 7 ngày, người thụ lễ phải giữ mình sạch sẽ, chay tịnh.

Khi người Dao… muốn lớn- Ảnh 2.

Cậu bé người Dao cùng bố trước giờ làm lễ

QUANG PHÚC

Các thầy tào (phải là những người đã được cấp sắc bậc cao) cũng phải tuân thủ nhiều nghi lễ. Trước khi đến nhà gia chủ, họ thắp hương xin phép tổ tiên nhà mình, cầu phù hộ và xin đưa thần linh đến nhà người thụ lễ. Khi đi, họ mang theo những dụng cụ làm lễ được giữ gìn rất cẩn thận, trong đó nhất thiết phải có những bộ tranh thờ. Tranh cổ truyền của người Dao được vẽ rất cầu kỳ, công phu trên giấy bản, giấy dó, bồi bằng hỗn hợp da trâu, gạo nếp, lá rừng. Tuy nhiên, những bộ tranh cổ thực sự hiện nay ngày càng hiếm, do điều kiện bảo quản rất khó khăn.

Tất bật sửa soạn bàn thờ, đồ lễ từ buổi chiều, sau khi đâu vào đấy, các thầy tào bắt đầu đọc lời khấn các vị thần, từ thần cửa, thần đất, thần rừng… Thong thả, nhẩn nha như thế cho đến tận buổi tối. Trong lúc đó, gia chủ làm lợn (lễ vật dâng cúng không thể thiếu một con lợn lớn được làm sạch sẽ cùng huyết và nội tạng được đựng trong những chiếc thau riêng biệt), đun nước tắm để những người thụ lễ "dọn mình" thật sạch sẽ, làm cơm cúng. Buổi lễ chính thức bắt đầu vào khoảng 1 giờ sáng. Lúc này, các thầy tào đánh trống, thổi sừng trâu mời tổ tiên về dự lễ, xin phép thần linh để tổ tiên vượt qua đèo cao, suối sâu, qua các bản, làng về đúng nhà mình; cầu mong các vị thần và tổ tiên cho phép làm cấp sắc, phù hộ cho những người thụ lễ và gia đình.

Suốt buổi lễ, nữ giới ngồi riêng; nam giới đứng trước bàn thờ hành lễ và múa tạ ơn theo sự điều khiển của thầy tào. Điệu múa tuy đơn giản, nhưng nghi lễ kéo dài suốt đêm, nên đòi hỏi phải có sức khỏe và sự tập trung cao.

Bước cuối cùng là "cấp bằng" cho gia chủ, sự khẳng định trên mặt giấy tờ là người đó đã được cấp sắc phong và hoàn thành nghi lễ. Sau khi được sắc phong, người thụ lễ chính thức trở thành người trưởng thành…

Sớm rời khỏi Thông Nguyên, những thửa ruộng bậc thang hùng vĩ chỉ còn một màu nâu mộc mạc sau mùa gặt, thấp thoáng hai bên con đường gập ghềnh uốn khúc. Thấm mệt sau một đêm thức trắng, nhưng chúng tôi, những người vừa được cho phép chiêm ngưỡng một hoạt động thiêng liêng trong đời sống tinh thần phong phú và đẹp đẽ của dân tộc Dao anh em, đều cảm thấy biết ơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.