Khi mỹ thuật giãi bày cho âm nhạc

30/09/2023 10:00 GMT+7

"Trong công việc sáng tạo, bạn luôn đơn độc. Người ta có thể chia sẻ mọi thứ với bạn, nhưng không hẳn người ta thông cảm với bạn. Người ta thông cảm với bạn, không hẳn người ta thích bạn. Người ta thích bạn, không hẳn người ta chấp nhận quan điểm sáng tạo của bạn. Nói tóm lại, một câu cũ rích: Vì bạn là con người sáng tạo, con người làm những thứ mới, nên bạn phải chấp nhận đương đầu".

Khi được tặng cuốn sách Ghi chép của một nhà sưu tập, kèm theo lời dặn dò "dằn mặt": "Anh phải nhớ là đọc hết rồi review cho em đấy nhé!", tôi hoang mang cực độ. Tôi vốn không phải là người am hiểu về mỹ thuật và hội họa, thì làm sao biết gì để mà nói về cuốn sách kể câu chuyện dài đầy đam mê của một nhà sưu tập mỹ thuật chuyên nghiệp chứ. Nhưng vì cũng tò mò, tôi hơi lừng khừng:

- Thế à! Không những anh, mà con gái anh nó cũng rất thích mỹ thuật...

Khi mỹ thuật giãi bày cho âm nhạc - Ảnh 1.

Tôi tìm thấy sự đồng cảm giữa mỹ thuật và âm nhạc ngay từ những trang đầu tiên...

V.T.T

Tôi bày tỏ cảm xúc thật nhát gừng. Mà đúng như thế thật. Nói chuyện về âm nhạc là tôi có thể nói hàng giờ, nhưng hội họa thì tôi im...

Tôi rụt rè mở những trang đầu tiên của cuốn sách ra, như một kẻ mò mẫm theo từng bậc thang.

"... Có nhiều kiểu người sưu tập. Nhưng chắc chắn kiểu người có "mắt xanh" là ngoài việc họ được trời phú cho khả năng nhận ra cái đẹp (hay tài năng) thực sự của tác phẩm (tác giả), họ còn là người không bị sự màu mè, phù phiếm, sự "giả bộ" che mắt, vì họ có một đời sống phong phú với trải nghiệm rất tốn "học phí", chứ không phải đơn thuần "học lóm, học mót". Cũng vậy, nghệ sĩ điên khùng thật và nghệ sĩ điên khùng giả, hoặc nghĩ mình là điên khùng rất khác biệt. Sự điên khùng bởi nghệ sĩ tính hành hạ được bộc lộ cực kỳ tự nhiên, vì thế, đôi khi có những thứ "cực đoan" rất... tào lao, nhưng lại rất hợp lý; và ngược lại, nếu không đủ "bị hành" như vậy, dù làm màu và giỏi diễn đến đâu, thì đôi khi chỉ một sự thể nhỏ xíu như hạt gạo, người tinh ý cũng nhận ra ngay sự giả tạo ấy".

Chà! thật bất ngờ. Tôi tìm thấy sự đồng cảm giữa mỹ thuật và âm nhạc ngay từ những trang đầu tiên. Dù là mỹ thuật, điêu khắc, văn chương hay thơ ca gì..., nỗi lòng của những người làm nghệ thuật là như nhau. Tuần trước, khi gặp lại nhóm MTV sau một thời gian dài không cộng tác, tôi thật ngạc nhiên về cái "hồn nhiên" rất nghệ sĩ tính của họ. Một sự hồn nhiên rất hồn nhiên. Vì vậy, tôi tìm được sự đồng cảm ngay ở trang sách đầu tiên của một nhà sưu tập mỹ thuật. Nó gợi cho tôi nhớ đến sự "điên khùng" của The Beatles, Queen... khi cái điên khùng chân thật ấy rất cần cho người nghệ sĩ, dù là họa sĩ hay nhạc sĩ. Điều quan trọng là khùng thật hay giả khùng.

Cuốn sách là những ghi chép từ những trải nghiệm thực tế của một nhà sưu tập mỹ thuật chuyên nghiệp, từ tác phẩm của những nghệ sĩ Việt Nam cho đến rất nhiều những nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới. Nhưng lạ thay, với góc độ của một nhạc sĩ, tôi cảm nhận được người nghệ sĩ, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, cũng có những tâm tư giống nhau đến kinh ngạc. Và những nhà sưu tập kinh nghiệm luôn là những người có cặp "mắt xanh" để thấu cảm cái nghệ sĩ tính đó:

"Dù sáng tạo hay không, hãy cứ làm cái điều mà bạn thích, cái lý mà bạn cho là đúng. Đừng sợ dư luận, đừng làm thứ để cho người khác nhìn vào và đánh giá, đừng e ngại bất cứ điều gì. Chỉ cần có đủ niềm tin, thì bạn làm đi. Hỏng một lần, hỏng nhiều lần, ngã thoải mái đi, không thể ngã suốt cả cuộc đời được. Vấn đề là bạn có mục tiêu và đủ lòng tin để hướng tới nó, mọi thứ khác sau đó chỉ còn là những thứ vớ vẩn".

Để viết được những lời từ ruột gan như thế, nếu là một người sưu tập đơn thuần, là không thể. Mà anh phải chính là một người sáng tạo, và phải bầm dập lên xuống trong cái "xưởng" nghệ thuật của mình thì mới nói lên được cái tâm tư nghiệt ngã như thế. Phạm Thị Điệp Giang, người sưu tập với đôi "mắt xanh", tác giả cuốn sách, chính là một nghệ sĩ đích thực để thấu cảm nỗi lòng của người nghệ sĩ như thế! Tôi thường hay trút bầu tâm sự với những đồng nghiệp trẻ rằng, đừng ngại khám phá cái mới, đừng ngủ quên trên ngai vàng của sự nổi tiếng, bạn phải tin cái mình đang làm, đừng ngại sự khó nghe, đừng bám vào ngai vàng một vị vua mà hãy là một nhà thiên văn với bầu trời sao lung linh trên trời đêm.

Người sáng tạo sẽ bớt cô đơn khi...

Đã từ lâu, tôi phát hiện ra một điểm không đồng bộ của nhạc Việt: Những nhà hát mới xây, bao nhiêu liveshow rình rang với dàn nhạc giao hưởng, khởi xướng bao nhiêu dòng nhạc mới lạ hay thể nghiệm... nhưng giáo dục thẩm mỹ âm nhạc trong nhà trường không tương xứng, thì chẳng khác nào công dã tràng. Vì khi không có sự đồng bộ ấy, lấy đâu ra khán giả để thưởng thức?, và sẽ rất khó để đạt được một nền nghệ thuật phát triển. Và thú vị thay, tôi tìm thấy điểm tương đồng quý giá này trong cuốn sách của Phạm Thị Điệp Giang:

"Một xã hội văn minh cần nhiều "mắt xanh" hơn nhà buôn. Nhưng một thị trường nghệ thuật lại cần nhiều kẻ mua người bán. Có điều, nếu chất lượng về khả năng, trình độ, hiểu biết về cảm nhận nghệ thuật của công chúng mua và công chúng bán thấp, thì đó là một thị trường nghệ thuật thấp, quy mô nhỏ, hạn chế. Một thị trường nghệ thuật căn bản lành mạnh sẽ cần những công chúng thưởng lãm có hiểu biết căn bản về nghệ thuật. Đi cùng sự hiểu biết thực sự là những đòi hỏi thực sự đủ sức để khơi lên tính tự trọng cần thiết của cả nghệ sĩ và nhà sưu tập, nhà đầu tư".

Thật là vui mừng khi có nhiều nhà hát mới, nhưng sẽ ý nghĩa hơn khi những công chúng trẻ của ngày mai biết cây đàn cello là gì, đàn harp từ đâu tới, cây kèn trombone ra sao, âm nhạc cổ điển là thế nào… Và khi công chúng với một sự hiểu biết như thế, người sáng tạo sẽ bớt cô đơn và sẽ càng kỹ lưỡng hơn với những tác phẩm của mình. Khi đó, một nền nghệ thuật lành mạnh và tiên tiến sẽ không còn xa vời nữa.

Tôi đã từng sửng sốt và chạnh lòng khi những thầy cô ở một trường trung tâm vẫn còn lầm tưởng cây đàn piano và đàn organ là như nhau (?!). Có vẻ như với âm nhạc, chúng ta chỉ đang chuộng hình thức và đang xây nhà từ nóc. Rồi mai đây, khi những khán giả nô nức kéo nhau vào nhà hát không phải để nghe nhạc, mà để khoe mẽ, hoặc kéo vào trong gallery chụp hình tự sướng, thì biết trách ai bây giờ? Khi chúng ta đã làm ngược…

Tôi vẫn đang đọc Ghi chép của một nhà sưu tập của Phạm Thị Điệp Giang, theo cô chu du khắp thế giới, từ Paris, New York, Amsterdam, Tokyo… rồi về Việt Nam, cùng cô chiêm ngắm các tác phẩm nghệ thuật tại các xưởng vẽ của các nghệ sĩ. Còn quá nhiều điều để có thể liên tưởng tới âm nhạc từ thế giới của mỹ thuật. Không giống như sự e dè ban đầu của tôi rằng tôi không phải là một người am hiểu về mỹ thuật, rằng tôi là một nhạc sĩ chỉ biết bàn về âm nhạc. Nhưng rồi tôi nhận ra, tôi tìm được sự đồng cảm sâu sắc trong thế giới của hội họa và điêu khắc với âm nhạc. Nơi đó, người nghệ sĩ, dù bất cứ lĩnh vực nào, cũng đều như nhau: Hãy "khùng" một cách thật hồn nhiên!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.