Tiết kiệm điện thành thói quen: Những chuyện hay tôi kể

Học mãi ở ba đức tính tiết kiệm

23/04/2024 21:09 GMT+7

Nếu như tính tiết kiệm lâu nay ngấm sâu vào máu thịt của má thì ba tôi cũng...y chang. Nhất là thói quen tiết kiệm điện, nước còn "thấm nhuần" trong từng tư tưởng, hành động, thậm chí ông còn "siêu sao" hơn má trong việc tiết kiệm điện nước mỗi ngày.

"Bà ơi, tiết kiệm điện bà nhớ tắt đèn dưới nhà bếp nghe?", "Bà nó ơi, bà đã tắt điện phòng thờ trên lầu chưa...?". Đó là những câu "quen thuộc" của ba hỏi má mà mấy chị em tôi thường hay nghe lúc còn nhỏ cho đến tận bây giờ, mỗi khi có dịp về thăm quê.

Ba tận dụng ánh nắng mặt trời phơi đồ mà không cần vắt bằng máy để tiết kiệm điện

Ba tận dụng ánh nắng mặt trời phơi đồ mà không cần vắt bằng máy để tiết kiệm điện

Ba tôi sử dụng nước xả đồ tưới cây

Ba tôi sử dụng nước xả đồ tưới cây

TGCC

Khi má nấu ăn dưới nhà bếp xong vừa đi lên nhà trên, hay mỗi khi má lên phòng thờ trên lầu đốt nhang cho ông bà mỗi tối rồi đi xuống, dù ba vẫn biết rằng má tôi hiếm khi nào mà quên tắt điện khi không còn sử dụng nhưng ông vẫn không quên nhắc. Tính ba tôi rất cẩn thận, có khi chưa an tâm, ba lại lọ mọ xuống bếp hay đi lên phòng thờ để xem lỡ má quên, chưa tắt điện thì ba tắt "chứ để điện sáng đêm thì lãng phí, tốn kém".

"Thời ông bà mình làm gì có máy lạnh mà vẫn sống thọ, sống khỏe"

Đối với mấy chị em tôi, tính tiết kiệm như ngấm sâu vào máu thịt của má thì ba tôi cũng vậy, thói quen tiết kiệm điện nước như ngấm sâu vào trong tư tưởng, hành động của ba, thậm chí ba còn "cẩn thận" hơn trong việc tiết kiệm điện nước mỗi ngày. Có tháng khi so sánh hóa đơn tiền điện mà tăng thêm năm, bảy ngàn đồng, là ba lại tìm mọi cách để...lấy lại.

Ba thường hay có thói quen giặt đồ bằng tay, là mấy bộ quần áo mặt trong ngày của ba và má vào mỗi sáng. Có khi mấy đứa cháu nhà sát vách, thấy ông nội giặt đồ cũng mang sang nhờ ông nội giặt giúp mấy bộ quần áo để cho kịp khô chiền hay sáng mai còn mặc đi học. Sợ ba cực, mấy chị em tôi mua cho ba cái máy giặt "sang xịn" mười mấy năm nay để ba tiện giặt đồ. Thế nhưng ba ít khi nào dùng, thành ra cái máy giặt vẫn cứ "trùm mềm" nằm im ỉm và còn mới cóng trong góc nhà bếp.

Ba bảo giặt đồ bằng tay ba quen rồi hoặc có khi ba "lập luận" giặt máy vừa tốn kém điện nước nhưng đôi khi không sạch bằng giặt tay. Giặt đồ bằng tay ba lại tiết kiệm nước mỗi ngày. Những thau nước vừa giặt đồ xong ba đổ vào thùng để tưới mát cho hàng cây xanh, giàn bầu bí phía trước nhà. Có lẽ, vì thường xuyên vận động, giặt quần áo vào mỗi sáng bằng tay mà ba tôi khỏe so với người khác. Gần 80 tuổi ba vẫn chạy xe máy chở má đi chợ, về thăm quê hoặc đưa rước các cháu tôi đến trường khi cha mẹ các cháu bận việc đột xuất.

Mấy hôm rày, Quảng Ngãi quê tôi vào mùa nắng nóng "như thiêu như đốt". Vậy mà ba chịu nóng rất giỏi. Ít khi nào ba chịu sử dụng máy lạnh. Ba thường bảo, "Thời ông bà mình làm gì có máy lạnh mà vẫn sống thọ, sống khỏe". Ba thường hay "học hỏi" ở sách báo, vậy nên cách tiết kiệm điện trong việc sử dụng máy lạnh cũng rất khoa học.

Buổi tối, trước khi đi ngủ chừng 30 phút, ba bật máy lạnh và để ở nhiệt độ 26 độ C cho không khí trong phòng mát mẻ, dễ chịu. Sau đó ba tăng dần lên 27 độ C, 28 độ C. Ba bấm hẹn đến chừng hơn 1 giờ sáng là máy lạnh tự tắt, vì theo ba giờ đó không khí về sáng đã dễ chịu. Với lại, những người già, lớn tuổi như ba má mà cứ nằm máy lạnh sáng đêm là không tốt cho sức khỏe…

Máy giặt ở nhà vẫn cứ

Máy giặt ở nhà vẫn cứ "trùm mềm" nằm im ỉm và còn mới cóng trong góc nhà bếp

Ba tôi vẫn say sưa giặt áo quần bằng tay

Ba tôi vẫn say sưa giặt áo quần bằng tay

TGCC

Có người nói, nước giếng nhà đào, con cái gắn máy lạnh thì cứ sử dụng cho thỏa mái chứ hơi đâu mà tiết kiệm chi "cho khổ". Ba tôi "lập luận", "phản biện" ngay, đành rằng nước giếng nhà đào, điện mình xài mình trả tiền nhưng mình cứ "vô tư" sử dụng, cứ "vô tư" xài "xả láng", thỏa mái, ai cũng như vậy thì cũng có ngày nguồn tài nguyên nước, nguồn tài nguyên điện năng sẽ cạn kiệt dần, trong khi đó bà con của mình nhiều nơi còn rất khổ, thiếu điện, thiếu nước ngọt để xài…

"Con nhà tông không giống lông thì cũng giống cánh", không chỉ chị em tôi, mấy đứa cháu tôi tuy còn nhỏ nhưng đã "học" được những đức tính "cần kiệm" từ chính ông bà. Cảm ơn ba là tấm gương cùng với má luôn là tấm gương cho con cháu "soi mình" về đức tính cần tiết kiệm trong cuộc sống.

Cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2 là nơi để độc giả chia sẻ các câu chuyện hay, sáng kiến mới, phương thức tiết kiệm điện hiệu quả, đã được chứng minh từ thực tế của các hộ gia đình, cơ quan công sở, doanh nghiệp... để mọi người cùng tham khảo, thực hiện.

Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng 100 triệu đồng, kéo dài đến hết ngày 10.7.2024.

Độc giả có thể gửi bài dự thi về địa chỉ: tietkiemdien@thanhnien.vn hoặc đường bưu điện, gởi về tòa soạn Báo Thanh Niên (268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Ghi rõ: Bài viết tham dự cuộc thi Tiết kiệm điện thành thói quen. Thể lệ chi tiết được đăng tải chi tiết trên thanhnien.vn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.