Hiện thực hóa 'giấc mơ' phủ sóng metro

28/02/2024 06:27 GMT+7

Bên ngoài nối đường sắt liên tỉnh, xuyên vùng để phát triển giao thương, bên trong vùng nội đô, TP.HCM cũng đang quyết liệt triển khai xây dựng 200 km đường sắt đô thị, thậm chí muốn nâng quy hoạch lên hơn 500 km vào năm 2035.

Dự kiến trong quý 1 này, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị của TP.HCM sẽ được hoàn thiện để trình T.Ư.

Tổng chiều dài 220 km

TP.HCM được quy hoạch 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (đường sắt một ray) tổng chiều dài khoảng 220 km, vốn đầu tư ước tính gần 25 tỉ USD. Hiện, tuyến số 1 (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) và số 2 (Bến Thành - Tham Lương) tổng chiều dài hơn 30 km đã được triển khai từ vốn ODA theo cơ chế cấp phát từ ngân sách T.Ư. Các tuyến còn lại chưa được đầu tư. Nếu như trước đây, nguồn vốn luôn được đánh giá là chướng ngại vật đầu tiên khi nói tới giấc mơ metro thì theo khẳng định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại cuộc họp với Tổ chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới: TP.HCM không thiếu tiền làm metro.

Hiện thực hóa 'giấc mơ' phủ sóng metro- Ảnh 1.

Tàu metro số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên chạy thử nghiệm

Nhật Thịnh

"200 km metro cần chục tỉ USD để hoàn thành nhưng không phải có ngay mà chia đều mỗi năm. Chỉ riêng đầu tư công năm 2024 của TP.HCM đã gần 4 tỉ USD. Các năm trước, vốn dành cho các công trình giao thông chiếm đến 70%. Do đó, mỗi năm dành một vài tỉ USD cho metro không phải vấn đề lớn với ngân sách TP, quan trọng phải có cơ chế tài chính để thực hiện", ông Phan Văn Mãi nêu rõ.

Nếu chỉ nhìn vào tuyến metro số 1 - gần 20 năm triển khai đến nay chưa khai trương được 19,7 km đường sắt đô thị đầu tiên - thì nhiệm vụ 12 năm tới làm gần 200 km, với TP.HCM có thể coi là "không tưởng".

Thay đổi tư duy và cách tiếp cận

Thế nhưng thực tế, chưa chờ đến khi những cơ chế đặc thù trong đề án mới được phê duyệt, tuyến metro số 2 cũng đang được TP.HCM tổ chức triển khai với những cải tiến rất khác so với tuyến số 1, tư duy mới, cách làm mới. Điển hình, công trình được đảm bảo giải phóng mặt bằng "sạch", hạ tầng kỹ thuật "sạch" 100% trước khi thi công các dự án chính. Từ tháng 6 năm ngoái, chủ đầu tư đã khởi công xây dựng và tái bố trí hạ tầng kỹ thuật, bao gồm hệ thống điện, thoát nước, cấp nước và viễn thông thuộc dự án tuyến tàu điện ngầm số 2, làm tiền đề cho việc chuẩn bị mặt bằng sạch, cả trên mặt đất và cả không gian ngầm. Việc chuẩn bị một mặt bằng và không gian ngầm thông thoáng được đánh giá sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ khi dự án chính thức thi công các hạng mục nhà ga, tuyến chính vào 2025, đảm bảo đưa tuyến metro số 2 vào khai thác năm 2030 như chỉ đạo của Thủ tướng.

Ngoài ra, đại diện Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) cho biết tuyến metro số 2 sẽ được chuẩn bị thật kỹ về các thủ tục pháp lý cũng như nguồn vốn. Quá trình làm tuyến metro số 1 có nhiều thay đổi về quy định pháp luật, mất rất nhiều thời gian để điều chỉnh pháp lý. Vì thế, tuyến metro số 2 sẽ chú trọng chuẩn bị rất kỹ các yếu tố này. Tuyến số 2 được chia thành nhiều gói thầu hơn tuyến số 1 nên ngay từ đầu, MAUR đã xây dựng 1 phương án điều phối giao diện để hạn chế tối đa sự giẫm chân giữa các nhà thầu trong quá trình thi công, đảm bảo tiến độ dự án.

"Tư duy thay đổi, cách tiếp cận thay đổi, chỉ cần được trao cơ chế phù hợp, có đủ hành lang pháp lý thì chắc chắn TP.HCM sẽ nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ metro, không chỉ là 200 km như theo quy hoạch mà còn phải nối metro dài hơn nữa, kết nối sâu hơn nữa, không phụ lòng mong mỏi của người dân TP", lãnh đạo MAUR nhấn mạnh.

TP.HCM xin 14 cơ chế đặc thù làm metro

Dự thảo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất T.Ư cho 14 cơ chế, trong đó có một số nội dung giúp TP huy động được vốn để làm 200 km metro như cho phép thực hiện thu hồi đất dự án tổng thể toàn hệ thống đường sắt đô thị và dự án phát triển đô thị vùng phụ cận các nhà ga để thực hiện mô hình TOD ngay sau khi chủ trương đầu tư dự án được Quốc hội quyết định; địa phương được đấu giá quyền sử dụng đất với mục đích phát triển dự án khu đô thị TOD theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và sử dụng toàn bộ số tiền thu được đầu tư trực tiếp cho dự án đường sắt đô thị.

Dự kiến, TP.HCM sẽ thu được 40 tỉ USD từ nguồn này và một phần sẽ dùng để đầu tư cho metro. TP cũng kiến nghị T.Ư cho phép phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro. Lãi suất trái phiếu do 2 địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.