Hà Nội, TP.HCM cần hoàn thành 600 km đường sắt đô thị

Mai Hà
Mai Hà
29/12/2023 06:42 GMT+7

Sáng 28.12, Bộ GTVT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Nhiều thách thức cho đường sắt đô thị

Báo cáo tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết Hà Nội đã tháo gỡ khó khăn vướng mắc và triển khai tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) Nhổn - ga Hà Nội tuyến số 3 giai đoạn 1 để hoàn thành đoạn trên cao vào quý 2/2024 và vận hành toàn tuyến vào năm 2027. Đồng thời đã trình Chính phủ, Bộ KH-ĐT điều chỉnh chủ trương đầu tư của tuyến ĐSĐT số 2 giai đoạn 1 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo…

Hà Nội, TP.HCM cần hoàn thành 600 km đường sắt đô thị- Ảnh 1.

Năm 2024, TP.HCM sẽ vận hành thương mại tuyến metro số 1

Nhật Thịnh

Tuy nhiên, giao thông thủ đô vẫn còn nhiều thách thức, như tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt khoảng 12,13% trong khi theo quy hoạch yêu cầu phải đạt 20 - 26%. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng mới đạt 19,5% trong khi quy hoạch yêu cầu phải đạt 50 - 55%...

Theo ông Tuấn, quy hoạch hiện nay Hà Nội có 10 tuyến ĐSĐT (9 tuyến chính và 1 tuyến nối các đô thị vệ tinh), với tổng chiều dài 417,8 km, trong đó 75,6 km đi ngầm. Tổng mức đầu tư dự kiến trên 40 tỉ USD. Tuy nhiên, thực tế Hà Nội mới chỉ hoàn thành 13 km là tuyến 2A, đoạn Cát Linh - Hà Đông, đang thi công 12,5 km tuyến số 3 đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Để hoàn thành được 404,8 km còn lại trong 12 năm tới, đến năm 2035, kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 37 tỉ USD (tương đương khoảng 850.000 tỉ đồng).

Còn theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường, thời điểm hiện tại TP.HCM đang tập trung quy hoạch mạng lưới ĐSĐT. Bên cạnh cơ chế được cho phép tại Nghị quyết 98 của Quốc hội, TP.HCM cũng đang tập trung xây dựng đề án phát triển kết cấu ĐSĐT đến 2035 với mục tiêu hoàn thành 200 km.

Ông Cường cho hay luật Đường sắt sửa đổi khi được cập nhật nội dung liên quan đến ĐSĐT sẽ là cơ sở quan trọng để định hướng cho mạng lưới ĐSĐT của TP.HCM nói riêng phát triển. Trong năm 2024, TP.HCM cũng đặt mục tiêu hoàn thiện, đưa vào khai thác nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, vận hành thương mại tuyến metro số 1.

Kỳ vọng đột phá dự án PPP cao tốc

Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, đến tháng 12, ước giải ngân toàn ngành đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%. Năm nay, Bộ GTVT được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỉ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022; gấp 2,2 lần năm 2021.

Năm 2024, Bộ GTVT đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch. Trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc khai thác cả nước lên 2.021 km.

Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP.HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hải Phòng - Hà Nội.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đầu năm 2023, lần đầu tiên Bộ GTVT triển khai khởi công trực tuyến 12 dự án cao tốc từ Bắc đến Nam, và đến cuối năm tiếp tục khánh thành đồng loạt 4 dự án từ sân bay, cầu, đường cao tốc. Tính chung chỉ trong nửa nhiệm kỳ đầu, ngành GTVT đã hoàn thành trên 730 km đường cao tốc.

Cho rằng việc triển khai các dự án PPP giao thông còn chưa được như kỳ vọng, tuy nhiên theo Thủ tướng, ngay ngày đầu năm mới 2024 (1.1.2024), một dự án PPP mới là cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được khởi công. Tiếp đó sẽ là các dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành; Ninh Bình - Thái Bình - Nam Định - Hải Phòng.

"Đây là 3 dự án rất quan trọng, tại 3 vùng kinh tế khác nhau, trong đó có 1 vùng kinh tế khó khăn, 2 vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Hồng khu vực Hà Nội và đông Nam bộ nối với Tây nguyên", Thủ tướng chỉ rõ và lưu ý các ban quản lý dự án không được chia nhỏ các dự án, đấu thầu công khai, minh bạch, chỉ định thầu đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024

Chiều 28.12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì phiên họp thứ 7 của ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024. Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ TT-TT sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp đo lường đóng góp giá trị gia tăng của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế ở VN. Bộ Công an nghiên cứu, tham mưu đề xuất xây dựng luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoàn thành trong năm 2024.

Ngân hàng Nhà nước sớm hoàn thiện và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng; hoàn thành trong quý 2/2024. Bộ Tài chính xây dựng, ban hành và trình ban hành chính sách, quy định để thúc đẩy áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước…

Ngoài ra, các bộ, ngành đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024…

Xem nhanh 20h: Thời sự toàn cảnh ngày 28.12

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.