Tự hào là cháu ngoan Bác Hồ

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/10/2020 07:40 GMT+7

Đã 39 năm trôi qua nhưng nhớ lại kỷ niệm của Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất năm 1981, các cựu đại biểu không khỏi bồi hồi, xúc động. Đó cũng là hành trang họ mang theo trong cuộc đời.

Kim chỉ nam cho mọi hành động

Chị Bạch Lê Hoa, Liên đội trưởng Đại hội (ĐH) Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc lần thứ nhất năm 1981, Trưởng đoàn đại biểu Hà Nội khi ấy, đã xúc động nhớ lại 39 năm trước khi được bầu làm Liên đội trưởng của ĐH.
“Khi đó, tôi đang là học sinh cấp 2, Liên đội trưởng Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hà Nội). Được tham dự ĐH là niềm vinh dự lớn lao lắm, vì cả nước chỉ có vài trăm đại biểu thôi. Chúng tôi sinh ra và lớn lên trong thời chiến tranh, được gặp bạn bè ở khắp mọi miền đất nước thì thích vô cùng; coi nhau như anh em một nhà. Khi chia tay không ai không khóc. Là Liên đội trưởng ĐH, tôi còn được đọc diễn văn khai mạc, đọc lời chào mừng... Kỷ niệm đó theo tôi suốt cuộc đời”, chị Hoa chia sẻ.
Chị Hoa cũng cho biết kỳ ĐH đó luôn gắn bó với cuộc đời chị và là kim chỉ nam cho mọi hành động của chị trong công việc sau này. Từ sau ĐH, chị đã phấn đấu học tập rèn luyện không ngừng và kết thúc năm học cấp 3, chị đã được tuyển chọn sang Nga du học. Sau khi tốt nghiệp, chị làm việc ở đó một thời gian rồi về gây dựng sự nghiệp ở VN. Hiện chị Hoa là tiến sĩ, Giám đốc Công ty Axis Group tại TP.HCM. Không chỉ thành đạt trong công việc, trong cuộc sống, chị Hoa cũng là tấm gương về sự tận tụy với mọi người và đặc biệt là vì cộng đồng. Dù bận rộn với công việc kinh doanh, nhưng chị luôn dành thời gian để hoạt động thiện nguyện, tìm đến những hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ...
Chia sẻ với các đại biểu là Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ 9, chị Hoa nói: “Tôi cho rằng được là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ là một sự may mắn vì cũng có rất nhiều bạn bè học giỏi, chăm ngoan như mình. Vì vậy, tôi luôn ghi nhớ 5 điều Bác Hồ dạy, trong đó cần khiêm tốn, thật thà dũng cảm. Dù ở vị trí nào cũng không tự cao, tự đại, trở thành người tốt, người tử tế trước khi trở thành người thành đạt”.
Tự hào là cháu ngoan Bác Hồ1

Chị Bạch Lê Hoa (phải) trao quà cho học sinh khó khăn trong một chương trình thiện nguyện

ẢNH: NVCC

Động lực để cống hiến

Tiến sĩ - NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng (nghệ danh Hải Phượng) cũng từng vinh dự được là đại biểu Cháu ngoan Bác Hồ tại ĐH lần thứ nhất và giờ đây chị là Phó trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TP.HCM. Với 45 năm gắn bó với đàn tranh, với âm nhạc dân tộc, chị đã đưa tiếng đàn của mình chu du hàng chục nước. Sau mỗi lần trở về, chị càng mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho âm nhạc dân tộc nước nhà.
Nhớ về ĐH Cháu ngoan Bác Hồ năm 1981, chị Hải Phượng cho biết ngày ấy chị mới 11 tuổi, đang sinh hoạt ở Nhà thiếu nhi TP.HCM. Có năng khiếu âm nhạc dân tộc nên chị được nhiều giải thưởng ở các cuộc thi về nghệ thuật. Từ thành tích đó, chị đã được xét chọn là đại biểu tham dự ĐH Cháu ngoan Bác Hồ. “Được tham dự ĐH, gặp nhiều bạn bè từ khắp nơi, tôi đã được mở mang kiến thức, tự tin hơn trong giao tiếp và đó cũng là kỹ năng giúp tôi sau này gặp ai trong cuộc sống cũng có thể trở thành người thân quen”, chị Hải Phượng chia sẻ.
Là cháu ngoan Bác Hồ, chị Hải Phượng đã có nhiều cống hiến trong sự nghiệp. Chị cùng mẹ và em gái - nghệ sĩ Hải Yến thành lập CLB Tiếng hát quê hương. Đĩa chương trình do nhóm Tiếng hát quê hương của chị được biểu diễn trong lần dự liên hoan âm nhạc ở Nhật và hiện được lưu giữ tại nhiều thư viện ở Nhật và Mỹ. Cá nhân chị đã có nhiều CD gồm độc tấu đàn tranh, hòa tấu tranh - sáo - bầu hay chuyên về nhạc cổ truyền. Chị đã tham gia trình diễn tại nhiều liên hoan âm nhạc và các sự kiện âm nhạc lớn ở hơn 20 nước...
Chị cũng tâm sự, từ khi trở thành cháu ngoan Bác Hồ đã là động lực giúp chị trong suốt con đường sự nghiệp và cuộc sống. “Hồi đó, tôi nhỏ xíu và cũng là những đội viên bé nhất, nên nhìn thấy những thành tích của anh chị học giỏi hơn mình, tôi đã lấy làm gương để nỗ lực hơn. Tôi đã được khích lệ để cố gắng trên con đường truyền bá và mang âm nhạc dân tộc đến cho mọi người”, chị Hải Phượng tâm sự.
Tự hào là cháu ngoan Bác Hồ3

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan và một đại biểu Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ 9

ẢNH: NVCC

 
Cũng là đại biểu ĐH Cháu ngoan Bác Hồ lần thứ nhất, chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trợ lý, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty TNHH công nghệ dược phẩm LoTus, là Trưởng đoàn đại biểu của tỉnh Sơn La khi ấy, đã hào hứng khi kể về kỷ niệm đó. Khi đó, chị là một học sinh giỏi năng nổ tham gia các hoạt động của Đội ở Trường cấp 2, Nông trường Mộc Châu, H.Mộc Châu, tỉnh Sơn La. “Tôi vô cùng tự hào là 1 trong 6 đội viên của tỉnh Sơn La được tham dự ĐH. Được là cháu ngoan Bác Hồ là niềm tự hào không chỉ của riêng tôi mà của các gia đình, họ hàng, làng xóm. Mẹ tôi năm nay 80 tuổi nhưng vẫn còn lưu giữ những kỷ vật của tôi khi tham gia ĐH và luôn tự hào mỗi lần nhắc lại”, chị Lan kể. Chị cũng cho biết suốt những năm sau đó, chiếc khăn quàng của ĐH, chị đã luôn mang theo bên mình như một “báu vật” để nhắc nhở mình cố gắng vươn lên. Sau này chiếc khăn đó chị đã trao cho con mình để nhắc nhở con nối tiếp truyền thống cháu ngoan Bác Hồ.
ĐH năm ấy cũng là động lực và trao niềm cảm hứng để chị nỗ lực học tập rèn luyện. Chị đã giành được giải các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn ngữ văn. Tốt nghiệp THPT, chị đã thi đỗ vào khoa văn của Trường ĐH Tổng hợp (ĐH Quốc gia hiện nay) và là một trong những học sinh có điểm thi cao nhất. Nhờ có thành tích học giỏi nên năm thứ nhất đại học, chị được tuyển sang học ở Liên bang Nga. Sau khi tốt nghiệp, chị đã ở lại nước Nga làm việc một thời gian để tích lũy kinh nghiệm rồi trở về Việt Nam mở doanh nghiệp với mong muốn đóng góp phát triển kinh tế cho nước nhà.
Sáng 24.10, đoàn đại biểu ĐH Cháu ngoan Bác Hồ đã vào lăng viếng Bác và báo công dâng Người với sự tham dự của ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư và Ban Bí thư T.Ư Đoàn.
Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã có buổi gặp mặt trao bằng khen cho 63 đại biểu thiếu nhi tiêu biểu. Tham dự buổi gặp mặt, có anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ. Tại đây, các đại biểu thiếu nhi đã bày tỏ những nguyện vọng của mình và góp ý về chương trình giáo dục của Bộ. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đã ghi nhận ý kiến của các em và cho biết Bộ GD-ĐT cũng đang đổi mới chương trình, chuyển sang giáo dục toàn diện và phát huy năng lực của học sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.