Nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn đóng góp Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Vũ Thơ
Vũ Thơ
26/10/2020 22:15 GMT+7

Tại hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội Đảng lần thứ XIII , anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, cho biết có nhiều ý kiến tâm huyết, thắng thắn góp ý văn kiện.

Ngày 26.10, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý của cán bộ chủ chốt Đoàn, Hội và thanh niên tiêu biểu vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Chủ trì hội nghị có bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư; ông Đỗ Văn Phới, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thường trực T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam.
Cùng tham dự hội nghị có ông Nguyễn Phước Lộc, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; PGS - TS Nguyễn Viết Thông, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Lý luận T.Ư; các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc lấy ý kiến nhân dân góp ý Văn kiện Đại hội XIII của Đảng…

Lãnh đạo Ban Dân vận T.Ư và các Bí thư T.Ư Đoàn chủ trì hội nghị

Ảnh Đăng Hải

Phát biểu tại hội nghị, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, T.Ư Đoàn đã tổ chức 4 đợt hoạt động cao điểm trong năm để chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn và các sự kiện quan trọng của Đảng, của đất nước.
Anh Tuấn cho biết, việc tham gia góp ý Văn kiện Đại hội lần thứ  XIII của Đảng gắn với quá trình tham gia góp ý văn kiện đại hội đảng cấp cơ sở, cấp trên cơ sở và cấp tỉnh được các cấp bộ Đoàn triển khai với nhiều cách làm đa dạng, sáng tạo.
“Qua theo dõi tổng hợp bước đầu cho thấy 100% đoàn cơ sở, đoàn cấp huyện và đoàn cấp tỉnh đều xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động đóng góp ý kiến vào Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; các nội dung góp ý của tuổi trẻ cả nước được các cấp ủy Đảng đánh giá cao; có nhiều ý kiến tâm huyết, thắng thắn, trực diện, khách quan. Những kết quả bước đầu nêu trên đã và đang tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng của tuổi trẻ cả nước thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, anh Tuấn nói.

Anh Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị

Ảnh Đăng Hải

Vẫn còn hiện tượng "nhờn" luật

Góp ý về việc xây dựng pháp luật, TS Hồ Quang Huy, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, Giám đốc NXB Tư pháp, cho biết công tác tổ chức thi hành pháp luật tuy đã được quan tâm, nhưng vẫn chưa có cơ chế đủ mạnh, đồng bộ để thực hiện hiệu quả.
"Chế tài pháp lý chưa thực sự nghiêm khắc, vẫn còn hiện tượng “nhờn” luật trên một số lĩnh vực; tình trạng ban hành văn bản quy phạm pháp luật có nội dung không khả thi, chưa phù hợp thực tiễn gây bức xúc dư luận vẫn còn tồn tại ở một số bộ, ngành và địa phương", anh Huy nói.
Theo anh Huy, việc thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền vẫn còn những tồn tại, hạn chế, cụ thể như: kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm; việc phối hợp công tác giữa một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo điều hành trong một số lĩnh vực chưa cao.
“Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm; dư luận về tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan, đơn vị; một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm giảm sút niềm tin của nhân dân”, anh Huy nói.
Anh Huy cũng cho biết, hệ thống pháp luật còn một số quy định chưa thống nhất, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước còn bị xem nhẹ, xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Cải cách hành chính, cải cách tư pháp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phát triển đất nước.
Anh Huy đề nghị, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, để đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo về đường lối của Đảng đối với việc xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật.
Đồng thời, cần tăng cường sự giám sát, kiểm tra của các cấp ủy đảng đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của các cơ quan nhà nước, nhất là theo chuyên đề đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước có nhiều vướng mắc trong thể chế cũng như trong phối hợp tổ chức thực hiện gây ảnh hưởng không tốt đối với đời sống xã hội.

Cần xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã góp ý về các giải pháp giữ ổn định xã hội. Trong đó, TS Hà Việt Quân, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban dân tộc, Ủy viên Ủy ban T.Ư Hội Liên hiệp thanh niên VN, cho rằng việc chênh lệch khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi là nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Đại biểu góp ý kiến vào dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII

Ảnh Đăng Hải

Anh Quân thẳng thắn cho biết, sau 35 năm đổi mới, nhưng một thực tế là đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào thiểu số phát triển chậm; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với cả nước.
“Đây là một vấn đề đã kéo dài nhiều năm, qua nhiều nhiệm kỳ nhưng chúng ta chưa có một giải pháp hiệu quả nào có thể thu hẹp lại khoảng cách này, thậm chí còn đang đối mặt với nguy cơ phân hóa giàu nghèo ngày càng trầm trọng hơn, khoảng cách phát triển ngày càng xa hơn giữa dân tộc Kinh và các nhóm dân tộc thiểu số và chính giữa các nhóm dân tộc với nhau”, anh Quân nói.
Theo anh Quân, tại Đại hội lần này, cần thiết phải xác định “chênh lệch khoảng cách phát triển là một trong những nguy cơ, thách thức cơ bản”; định hướng kịp thời cho cả hệ thống chính trị quan tâm, chú ý và cùng vào cuộc để tìm kiếm, tổ chức thực hiện những giải pháp cụ thể và sáng tạo để giải quyết thấu đáo thách thức kể trên.
Trong xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cần xác các định giải pháp đột phá cho giai đoạn tới về chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo hướng xoay trục từ “giảm nghèo” sang “làm giàu”.
Anh Quân cho rằng, cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho những người dân tộc thiểu số biết sáng tạo phát triển sản xuất kinh doanh và làm giàu. Cần xây dựng những cá nhân này để họ trở thành những “đầu tàu” đưa cộng đồng phát triển.
Anh Quân cũng nhấn mạnh, thanh niên sẽ là lực lượng lao động nòng cốt, có ảnh hưởng trực tiếp và đầu tiên với những thay đổi của xã hội, vì vậy, cần phải giao nhiệm vụ cho tầng lớp thanh niên như lực lượng tiên phong trong củng cố, gìn giữ và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.