Giáo viên đề xuất nên mở rộng thi tuyển hiệu trưởng để chọn người xứng đáng

Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
13/10/2023 09:12 GMT+7

Để xảy ra tình trạng như cô túm cổ áo kéo học trò; thầy xưng hô thiếu chuẩn mực với học sinh, nạn lạm thu, dạy thêm học thêm… thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về hiệu trưởng.

Hiệu trưởng - "linh hồn" của trường học

Gần đây, một vài hiệu trưởng vi phạm đạo đức, pháp luật đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về dân chủ trong trường học. Đã đến lúc cần phải xem lại vai trò của hiệu trưởng - người cầm lái và được xem là "linh hồn" của trường học.

Trên hết và trước hết, hiệu trưởng phải là người thực sự có tâm, có tài, có tầm nhìn chiến lược, có những quyết sách nhanh và đúng. Hiệu trưởng phải là người lãnh đạo tốt, quản lý giỏi, người quản trị tài… thì giáo viên, học sinh mới được hạnh phúc. Còn ngược lại, nếu hiệu trưởng vô tâm, bất tài là "bất hạnh" cho giáo viên, cho học sinh. 

Suy cho cùng những "vấn nạn" đang xảy ra trong trường học xuất phát từ nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân sâu xa đó chính là thiếu dân chủ trong trường học và hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm chính, cao nhất trước pháp luật, kỷ luật của ngành.

Có nhiều lý do dân chủ không được thực thi trong nhà trường một cách thực chất, hiệu quả. Đó là vì cơ chế thủ trưởng - người đứng đầu nhà trường có quá nhiều quyền hạn trong tay.  Nếu có đóng góp ý kiến tranh luận, dù đúng hay sai, hiệu trưởng vẫn là người quyết định cuối cùng.

Vai trò của hiệu trưởng trong trường học? - Ảnh 1.

Hiệu trưởng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc

NGỌC DƯƠNG

Tuy nhiên, không phải hiệu trưởng nào cũng "yếu". Mỗi hiệu trưởng có thế mạnh riêng và có những người làm việc tất cả vì giáo viên và học sinh, không nghĩ đến chức quyền, xem thành công của nhà trường là hạnh phúc của mình, luôn chia sẻ khó khăn, luôn thật sự biết "lắng nghe và thấu hiểu" với giáo viên để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất có thể giúp thầy cô hoàn thành tốt công tác, nhiệm vụ được phân công.

Với 37 năm đứng trên bục giảng, tôi đã trải qua 7 đời hiệu trưởng. Mỗi hiệu trưởng có cách làm việc, giải quyết công việc, "tính khí" khác nhau.

Một thầy từng là hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Khải, Diên Khánh, Khánh Hòa để lại nhiều ấn tượng nhất cho tôi. Thầy là một hiệu trưởng mẫu mực, giàu lòng vị tha, đầy sự bao dung, tâm huyết, đặc biệt luôn nói không với "hoa hồng".

Mọi hoạt động, phong trào của trường dù lớn hay nhỏ đều được thầy quan tâm chỉ đạo sát sao. Thầy luôn chủ động trong công việc, mọi hoạt động chuyên môn, đời sống tinh thần, vật chất của đội ngũ cán bộ nhân viên. Vào mỗi buổi sáng, hiệu trưởng luôn có mặt trước nhất ở trường vào lúc 6 giờ 30. Buổi chiều, thầy có mặt vào lúc 12 giờ 30 để nắm tình hình, gần gũi học sinh, giáo viên để đưa ra những quyết định kịp thời nhất, giải quyết các bất hòa trong học sinh, giáo viên… không để xảy ra những tai tiếng xấu trong nhà trường.

Về tình cảm, thầy luôn là hiệu trưởng đồng cảm: biết lắng nghe, chia sẻ, cùng hành động, luôn đặt mình vào vị trí của giáo viên để lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của học sinh, thầy cô mà kịp thời giải quyết. Vì vậy, trường luôn đạt kết quả cao, thuộc top những trường mạnh về chuyên môn, phong trào của huyện. Chính vì vậy, tinh thần giáo viên rất phấn khởi, vui vẻ. Thầy cô an tâm công tác, ra sức cống hiến.

Cần có sự thay đổi về việc tuyển chọn hiệu trưởng

Để phát huy tốt dân chủ trong trường học, hạn chế sự lạm dụng chức vụ quyền hạn của hiệu trưởng, cần có sự thay đổi về việc tuyển chọn hiệu trưởng. Hiện nay, nhiệm kỳ của hiệu trưởng là 5 năm, nếu hiệu trưởng không bị kỷ luật đến mức cách chức thì rất khó để cho thôi nhiệm vụ hiệu trưởng "suốt đời".

Giáo viên đề xuất nên mở rộng thi tuyển hiệu trưởng để chọn người xứng đáng - Ảnh 2.

Năm 2022, lần đầu tiên TP.HCM tổ chức kỳ thi tuyển vào vị trí hiệu phó trường THPT thay vì bổ nhiệm như trước đây. Có ý kiến cho rằng cũng nên áp dụng tổ chức kỳ thi tuyển hiệu trưởng.

BÍCH THANH

Vậy cần phải thay đổi như thế nào? Thứ nhất, lấy phiếu tín nhiệm hàng năm mỗi năm một lần đối với hiệu trưởng. Nếu hai năm liên tiếp mà hiệu trưởng chỉ có tín nhiệm dưới 50% thì nên cho hiệu trưởng từ chức hoặc bãi nhiệm để tìm người xứng đáng hơn.

Thứ hai, nên xem xét lại chế độ bổ nhiệm hiệu trưởng, đó là tổ chức thi tuyển hiệu trưởng để chọn được người xứng đáng. Có như vậy mới phát huy được tài năng của người lãnh đạo và dân chủ trong trường học ngày càng thực chất. Có như vậy, giáo viên mới hạnh phúc, yên tâm cống hiến cho nghề. Và khi thầy cô hạnh phúc, học trò mới thực sự hạnh phúc, mới có trường học hạnh phúc.

Những tỉnh, thành đã tổ chức kỳ thi tuyển hiệu trưởng

Vào năm 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế lần đầu tiên tổ chức thi tuyển chức danh hiệu trưởng Trường THPT Gia Hội (TP.Huế). Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh lúc bấy giờ, việc tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục là cụ thể hóa chủ trương đổi mới trong công tác tuyển dụng, tạo bước đột phá trong công tác cán bộ. Việc tổ chức thi tuyển lần này cũng là điều kiện quan trọng để ngành GD-ĐT triển khai hiệu quả các nội dung trong công tác đổi mới toàn diện giáo dục, góp phần vào sự phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành và tỉnh.

Tháng 3.2022, Sở GD-ĐT Hà Nội ban hành kế hoạch thí điểm thi tuyển chức danh hiệu trưởng cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở năm 2022 với 2 chức danh hiệu trưởng của 2 trường THPT công lập là Trường THPT Bất Bạt và Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu.

Tháng 8.2022, UBND TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã thông báo tổ chức thi tuyển để bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quốc Toản. Đây là lần đầu tiên tỉnh Phú Yên tổ chức kỳ thi tuyển bổ nhiệm chức vụ hiệu trưởng trường THCS.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.