Thầy trò thời mạng xã hội: 'Đàn ông phải nghĩ đến những việc lớn lao, có khí chất'

18/11/2019 18:27 GMT+7

'Trong mỗi tiết học, cô vẫn thường nói với chúng tôi: Đàn ông thì phải nghĩ đến những việc lớn lao, đừng nhỏ mọn, ích kỷ, sống phải có khí chất...'.

"Nhờ cô em trở thành đàn ông cũng có chút khí chất"

Đó là lời kể của anh Nguyễn Văn Hưng, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, hiện sống tại TP.HCM. Câu chuyện 20.11 này của anh trên Facebook kể về một giảng viên thời anh học ĐH khiến hàng trăm bạn bè vào thả tim.
Chia sẻ với người viết, anh Hưng cho biết: "Cô là một nữ tiến sĩ văn học có phong cách và phương pháp giảng dạy hết sức đặc biệt. Giọng cô khàn khàn, ít khi cười, và ngôn từ mạnh mẽ nhưng hài hước. Mỗi lần đến tiết học của cô là tôi thích thú, vì cô hay nói những câu chuyện ngoài lề rất thú vị về 'đàn ông, đàn bà'. Cô bảo "đàn bà rất khó hiểu, đôi khi nghĩ thế này mà làm thế kia, khiến đàn ông rã rời tinh thần. Còn cánh đàn ông đừng bao giờ nghĩ đến một túp lều tranh hai trái tim vàng nữa, tư duy đó cổ lỗ sĩ rồi. Ngoài tình yêu các anh dành cho bạn gái, thì các anh cũng phải đến đón nàng bằng một chiếc xe nhìn tạm được một tí, chứ đừng đi cái xe cà tàng, xe cà tàng chứng tỏ các anh bất tài đó. Tất nhiên không phải ai đi xe cà tàng cũng bất tài, có thể họ thích đi xe kiểu đó. Các anh 30 tuổi mà chưa có gì trong tay, không đủ khả năng lo cho vợ thì đừng nghĩ đến chuyện lấy vợ. Đàn ông thì phải nghĩ đến những điều, những việc lớn lao, đừng nhỏ mọn, ích kỷ, phải có khí chất, đừng sống hèn...".
Theo anh Hưng, có nhiều sinh viên nam cảm thấy khó chịu vì như bị "chạm tự ái", nhưng anh lại rất thích nghe giảng viên này nói. "Cô giảng văn hay mà cô nói chuyện cuộc đời bằng cái phong cách ấy cũng hay. Tôi nhận ra kiến thức chỉ là một phần mà người giáo viên có thể truyền đạt cho sinh viên. Bên cạnh đó, có những thứ lớn hơn kiến thức, đó là quan điểm sống, phong cách sống, ước mơ, cách nhìn nhận cuộc đời... mà người học có thể tiếp nhận một cách hoàn toàn tự nhiên từ phía giáo viên. Nó đi vào nhận thức lúc nào không hay. Tôi bị ảnh hưởng bởi quan điểm của cô, nên từ đó lúc nào trong đầu cũng nghĩ: mình phải thành công, phải làm được một cái gì đó có ý nghĩa... Năm 30 tuổi, tôi đã làm chủ một doanh nghiệp. Tôi lập gia đình năm 32 tuổi và nhiều lúc tôi cứ tự thấy vui vì mình đã trở thành một người gần gần như người đàn ông trong những câu chuyện của giáo viên dạy mình ngày xưa", anh Hưng bày tỏ.
Anh Hưng cho rằng, trong cuộc đời cắp sách tới trường, tới giảng đường của mình, anh đã được rất nhiều thầy cô dạy điều hay lẽ phải, nhưng "tiến sĩ văn học" mà anh kể trên, là một trong những giảng viên để lại nhiều ấn tượng và có sức ảnh hưởng nhất đối với anh.

Thầy lịch sử và những câu chuyện về thế giới bao la

Nguyễn Tường Minh, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (Ninh Bình), hiện du học ngành công nghệ thông tin tại Pháp, cho biết anh rất biết ơn thầy dạy lịch sử năm lớp 11 của mình. Chính thầy đã truyền cảm hứng cho anh về một thế giới bao la, rộng lớn ngoài kia để anh nuôi khát vọng đi du học và lang thang tìm hiểu khắp nơi.
"Mỗi lần tới lớp, xong một bài giảng, thầy lại có tiết mục 'kể chuyện đó đây'. Thầy kể về nước Mỹ, về châu Âu, Mông Cổ, rừng Amazon, Ai Cập... giống như thầy là giáo viên địa lý chứ không phải lịch sử. Sau đó, câu kết luận muôn thuở của thầy là: Các em hãy nghĩ đến một thế giới bao la, rộng lớn ngoài kia chứ đừng chỉ nghĩ về một cuộc đời nhỏ hẹp. Thế giới này bây giờ khác xưa rồi, con người giỏi giang phải là con người của toàn cầu, bước chân phải đặt khắp các năm châu bốn bể. Hãy nhìn những người giỏi kìa, họ đi khắp nơi... Tôi là tôi không đi đâu được rồi đấy vì tôi còn phải ở đây dạy cho các em, đàn em của các em, con cháu của các em... Vì thế, nếu em nào cất cánh đi xa, hãy báo cho tôi biết để tôi vui, tôi sẽ vui như chính mình được đi xa vậy", Minh xúc động kể lại.
Mơ ước được đi đây đi đó cứ lớn dần lên trong Minh, và Minh quyết định lao vào học tiếng Anh, tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu các trường ĐH đào tạo về công nghệ thông tin ở Pháp, Hà Lan... để chuẩn bị hành trang du học. "Do quá bận rộn cho hành trình này nên trước khi đi mình cũng chưa kịp gặp thầy để kể cho thầy nghe câu chuyện của mình, một cậu học trò có ham muốn bước đi thật xa để tìm hiểu thế giới, chính là nhờ vào những tiết học đầy cảm hứng của thầy. Nhưng sau đó mình đã nhắn tin cho thầy qua Facebook, thầy đã đùa rằng: Vậy là đôi chân của tôi đã đặt chân tới Pháp cùng em", Minh chia sẻ.
Dịp 20.11 này, Minh đã viết một status rất ngắn gọn nhưng đầy xúc động trên Facebook: "Trong 12 năm đèn sách, mỗi một thầy cô đều là một cánh cửa mở ra một thế giới cho tôi bước vào. Có những thế giới có thể bạn chỉ dừng chân trong một thời gian ngắn, nhưng tôi đang bước đến một thế giới mà bước chân có lẽ sẽ đi rất xa, rất lâu để gặp tương lai của mình. Cám ơn thầy, người đã mở ra cánh cửa thế giới ấy cho em!".
Thầy trò thời mạng xã hội: Có nên chúc thầy cô qua mạng? - ảnh 1
Giờ đây, chúng ta dễ dàng nhận thấy mạng xã hội giúp cho quan hệ thầy trò ngày càng gần gũi hơn, là kênh thông tin trao đổi bài vở giữa thầy và trò nhanh chóng, tiện lợi. Đặc biệt mạng xã hội còn là nơi để các em học sinh, sinh viên thổ lộ tâm tư, tình cảm ở lứa tuổi của mình với thầy cô để kịp thời nhận được những chia sẻ, tư vấn phù hợp...
Ở một góc nhìn khác, mạng xã hội cũng có những tác động tiêu cực đến quan hệ thầy trò nếu lạm dụng, không có điểm dừng. Đã có nhiều câu chuyện không hay, đau lòng xảy ra từ những cách cư xử thiếu văn minh, những thông tin chưa chính xác trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến mối quan hệ thầy - trò, thầy cô - phụ huynh và cả hình ảnh người thầy trong xã hội.
Báo Thanh Niên đến với ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 năm nay bằng những chia sẻ, ý kiến, quan điểm… về mối quan hệ thầy - trò trong bối cảnh xã hội bị tác động rất lớn bởi mạng xã hội.
Với chủ đề Thầy trò thời mạng xã hội, chúng tôi mong muốn nhận được ý kiến tham gia của bạn đọc. Bài viết, quý thầy cô, bạn đọc gửi về địa chỉ thanhniengiaoduc@thanhnien.vn. Các bài viết đăng tải trên Thanh Niên Online sẽ được chi trả nhuận bút theo quy định của báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.