Người Việt chi gần 2 tỉ USD/năm cho du học

30/05/2018 19:11 GMT+7

Ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại Mỹ (IVCE), cho biết người Việt chi tiêu gần 2 tỉ USD/năm cho việc du học.

Theo ông Trần Thắng, trung bình mỗi năm số lượng học sinh Việt Nam du học nước ngoài tăng 8% trong thời gian từ năm 2010-2017. Mỗi năm các gia đình Việt Nam chi tiêu gần 2 tỉ USD cho việc du học ở nước ngoài. Ước tính số học sinh Việt Nam hiện tại ở nước ngoài trong năm 2017 là 80.000 người.

Ông Thắng cũng đưa ra một thống kê của Viện giáo dục Quốc tế (IIE) tại New York. Theo đó, số lượng học sinh Việt Nam đi du học tại các nước đều tăng lên đáng kể: Cụ thể:

Mỹ:       21.400 (2016),  22.400 (2017)

Úc:       18.200 (2016),  19.700 (2017)

Canada:  7.500 (2016),  14.200 (2017)

Anh:       4.500 (2016),    5.000 (2017)

Theo số liệu trên, Canada cạnh tranh với Mỹ trong việc thu hút lượng du học sinh. Số học sinh Việt Nam trong năm 2016 tăng 55% so với 2015, 2017 tăng 89% so với 2016. Các nước còn lại giữ tỷ lệ học sinh Việt Nam tương đối ổn định vì chính sách của các quốc gia không thay đổi về định cư cho người nước ngoài cũng như cơ hội việc làm.

Vào tháng 4.2018, số liệu từ Cơ quan Giáo dục quốc tế Canada cũng cho thấy trong năm học 2016 - 2017, số lượng du học sinh Việt Nam tại Canada tăng hơn 89%, lên gần 15.000 người. Trong khi đó, vào tháng 11.2017, báo cáo hằng năm Open Doors của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE) cho thấy số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng năm thứ 16 liên tiếp. 

Ông Trần Thắng nhận định, đầu tư FDI vào lĩnh vực giáo dục Việt Nam là khó khăn vì mức học phí. Nếu học phí cao thì học sinh chọn lựa du học ở nước ngoài, ngược lại mức học phí thấp thì nhà đầu tư sẽ lỗ. Vận hành hệ thống trường quốc tế rất tốn kém vì mọi chi phí đều cao. Từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đến lương của nhân viên phải theo chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, việc tuyển sinh đối với các trường quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn vì học sinh Việt Nam có xu hướng du học nhiều hơn là học ở trong nước. Nhiều gia đình đủ điều kiện tài chính thì học sinh chưa đủ trình độ tiếng Anh để hòa nhập với chương trình...

Chính vì thế muốn kêu gọi đầu tư FDI vào Việt Nam, nhà nước cần phải có chính sách đặc biệt cho đầu tư giáo dục như miễn thuế dài hạn, cho sử dụng đất miễn phí. Có như thế thì giá học phí thấp xuống và nhiều gia đình Việt Nam có khả năng trang trải chi phí cho học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.