Học 9+, đi làm sớm

26/11/2020 09:46 GMT+7

Các vị khách mời chương trình “Học 9+, đi làm sớm” chia sẻ, ngay sau khi tốt nghiệp THCS, học sinh có thể tham gia ngay chương trình đào tạo trung cấp hoặc cao đẳng nghề, để sớm trở thành lao động có kỹ năng nghề.

Ngày 25.11, tại trường quay tòa soạn Hà Nội - Báo Thanh Niên, kênh truyền hình Báo Thanh Niên đã tổ chức cuộc tọa đàm - giao lưu trực tuyến chủ đề “Học 9+, đi làm sớm”. Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời: ông Vũ Văn Hà, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - thanh tra, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị.

Thể chế hóa mô hình 9+

Tại cuộc tạo đàm, ông Vũ Văn Hà chia sẻ hành trình thể chế hóa việc cho phép trường nghề được phép dạy các môn văn hóa cho học sinh của mình, đồng thời với việc đào tạo kỹ năng nghề cho các em. Ông Hà cho biết, trong gần một thập kỷ qua, nhiều trường trung cấp đã thực hiện mô hình 9+3. Với mô hình này, HS tốt nghiệp THCS sẽ học tiếp 3 năm, bao gồm học văn hóa và học nghề, khi tốt nghiệp các em sẽ được cấp bằng trung cấp. Nhưng việc học liên thông lên các trình độ cao hơn của các em gặp nhiều khó khăn.
Cách đây 3 năm, nhận thấy đây là mô hình phù hợp với mục tiêu phân luồng của Đảng và Nhà nước ta, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục đưa ra chủ trương khuyến khích các trường cao đẳng triển khai mô hình vừa dạy văn hóa, vừa đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS (gọi nôm na là mô hình 9+).
Khi học chương trình được xây dựng dựa trên mô hình này, người học sẽ được nhận bằng trung cấp sau 3 năm và tiếp tục học chuyển tiếp ngay mà không cần phải học lại những nội dung đã học để nhận bằng cao đẳng cùng ngành, nghề. Đặc biệt, mới đây, mô hình 9+ đã được thể chế hóa trong luật Giáo dục năm 2019. Nhờ thế, từ chỗ chương trình vừa đào tạo nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh mới tốt nghiệp THCS chỉ có lác đác ở một số trường và ở diện thực hiện thí điểm, đến nay mô hình 9+ đã ngày càng phổ biến hơn.
Ông Hà nhấn mạnh, 9+ là một mô hình đào tạo hiệu quả, tiết kiệm thời gian và tiền bạc, mở ra nhiều con đường lập thân lập nghiệp cho giới trẻ, đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, và hiện tại đang được triển khai hiệu quả tại nhiều trường đào tạo nghề.
“Mô hình này không chỉ mở ra cho các bạn trẻ con đường lập nghiệp sớm mà còn đáp ứng tốt nhu cầu lao động kỹ năng nghề cao của các doanh nghiệp. Các em học sinh chỉ cần tốt nghiệp THCS là đủ điều kiện để tham gia học hệ 9+ tại nhiều trường cao đẳng”, ông Hà nói.

Người học, nhà trường, doanh nghiệp đều có lợi

Từ góc độ của lãnh đạo đơn vị triển khai trực tiếp mô hình 9+, ông Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế.
Ông Huế cho biết, năm 2015, khi cùng đoàn công tác sang thăm một số trường đào tạo ngành xây dựng của Nhật Bản, ông được nghe giới thiệu về hệ thống trường Kosen. Đây là hệ thống đào tạo tạo kỹ sư thực hành cho những học sinh chỉ mới tốt nghiệp THCS, được ra đời từ những năm 1960s của thế kỷ trước, bạn gọi đây là chương trình 9+5. Năm 2016, ông được dự một hội thảo trong nước giới thiệu mô hình này.
Trường cao đẳng Xây dựng công trình đô thị bắt đầu tuyển sinh hệ 9+ từ năm 2017. Ban đầu nhà trường phải giải thích rất nhiều để phụ huynh và học sinh hiểu về mô hình, để họ yên tâm về chất lượng đào tạo cũng như triển vọng đầu ra.
Theo ông Huế, xét về lợi ích của mô hình 9+, thì tất cả các bên liên quan đều hưởng lợi: người học, nhà trường, doanh nghiệp. “Nhà trường đa dạng nguồn tuyển sinh. Doanh nghiệp có cơ hội tuyển dụng được nhiều lao động trẻ nhưng lại có kỹ năng nghề. Nhưng đối tượng hưởng lợi lớn nhất phải kể đến là người học. Những người đã xác định vào đời qua đào tạo kỹ năng nghề, nếu theo học chương trình 9+ thì sẽ tiết kiệm được đáng kể thời gian và tiền bạc”, ông Huế nói.
Cũng theo ông Huế chia sẻ, sau 3 năm vừa học văn hóa vừa học nghề ở trường nghề theo mô hình 9+, các em vẫn được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THTP, nếu kết quả đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT, các em được cấp bằng tốt nghiệp THPT do Giám đốc Sở GD-ĐT ký. Đồng thời các em được cấp bằng trung cấp nghề do hiệu trưởng trường cao đẳng hoặc trung cấp ký. “Sau đó các em có thể đi làm ngay. Một số em thì tiếp tục học liên thông thêm từ 1 đến 2 năm để nhận bằng cao đẳng, hoặc thi vào đại học”, ông Huế chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.