Giáo viên cắm bản và những bữa cơm rau dại

13/11/2019 08:19 GMT+7

Tiếng trống trường vừa dứt, học sinh tan học về, 5 thầy cô vội vàng chia nhau đi các ngả hái rau dại để chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc.

Dặm dài gieo chữ

Chúng tôi đến thăm điểm trường Kon Pling (ở xã Hiếu, H.Kon Plong, Kon Tum) vào một ngày đầu đông se lạnh. Xuất phát từ TP.Kon Tum lúc 5 giờ sáng nhưng phải đến 9 giờ mới đến được điểm trường chính. Sau đó, từ điểm trường chính vượt hơn 20 km đường rừng nhấp nhô sỏi đá nữa mới đến được điểm trường Kon Pling. Điểm trường này có 5 thầy cô giáo phụ trách 5 lớp với 61 học sinh (HS), 100% HS là người đồng bào thiểu số.
Trò chuyện với chúng tôi trong giờ ra chơi, thầy Hà Anh Nhất, có thâm niên 15 năm bám bản gieo chữ, cho biết nhà thầy ở H.Sa Thầy (Kon Tum). 15 năm qua, thầy liên tục vượt hơn 130 km từ nhà đến trường để gieo con chữ. Vì đường xa quá nên cứ chiều chủ nhật thầy đến lớp rồi ở lại điểm trường. Đến chiều thứ sáu thầy lên chiếc xe máy cọc cạch vượt đường đèo trở về nhà.

Mỗi tuần, thầy Nhất phải vượt hơn 130 km để đến trường gieo chữ

Đức Nhật

Mặc dù nhà trường đã bố trí thầy Nhất giảng dạy ở trường chính để đường về nhà được thu ngắn lại, thế nhưng thầy vẫn nhất quyết ở lại điểm trường. Phần vì thương học trò, phần vì nếu thầy về trường chính, thì một cô giáo khác sẽ phải vào thay thế ở điểm trường.
“Hồi đầu mới đến đây dạy cũng thấy buồn, nhớ nhà chứ. Nhưng ở đây ai cũng như mình nên anh em động viên nhau cố gắng công tác. Mới đấy thôi mà hơn chục năm qua rồi. Nhiều lúc nhớ vợ, nhớ con nhưng đành phải gác lại hết, hẹn cuối tuần lại về. Nhiều lúc con ốm con đau, mình chẳng có ở nhà săn sóc, mỗi khi gọi điện về lại nghe tiếng con hờn dỗi. Thế nhưng…”, thầy Nhất bỏ lửng câu nói rồi nhìn ra phía núi rừng.
Cùng hoàn cảnh như thầy Nhất, cô Nguyễn Thị Hoa (ở TP.Kon Tum) tâm sự, đã 8 năm nay cô cắm bản gieo chữ ở đây. Tuần nào cũng vậy, cô đi đi về về trên cái quãng đường hơn 100 km ấy để gieo chữ và về nhà. Cô có 2 con nhỏ, đứa lớn đang học lớp 1, đứa út mới hơn 3 tuổi. Những ngày mới sinh xong, cô phải giao con cho chồng và bà ngoại chăm sóc rồi gạt nước mắt quay lại điểm trường công tác.
Đường đến lớp khổ nhất là vào mùa mưa. Vì mùa này hay bị sạt lở, những dòng suối cuồn cuộn khiến cô giáo chẳng dám sang bờ bên kia. Nhiều khi chiếc xe bất chợt hỏng hóc giữa đường, cô Hoa phải dắt bộ cả chục cây số mới đến được tiệm sửa xe. Chỉ lên vết sẹo trên mặt, cô Hoa cho biết đó là dấu ấn của một vụ tai nạn trong lúc cô leo đèo lên bản.
“Khoảng tháng 3 năm ngoái, khi tôi vừa tan dạy thì nhận được cuộc điện thoại thông báo chồng phải mổ cắt mật. Ngoài trời mưa tầm tã, trời cũng sầm sập tối, tôi đánh liều mặc áo mưa rồi chạy xe thẳng về thành phố. Trời mưa nên đường vắng lắm, nhìn quanh chỉ có núi với rừng, tôi cứ vừa chạy xe vừa khóc… Mãi đến hơn 10 giờ đêm mới về đến nơi thì chồng cũng vừa mổ xong”, cô Hoa kể lại.

Ngắm con qua điện thoại

Cả 5 giáo viên ở điểm trường này đều là người ở địa phương khác đến bám bản gieo chữ. Người ở TP.Kon Tum, người ở H.Sa Thầy, người ở H.Đắk Hà… Ở cái nơi núi cao, đèo sâu này, hạnh phúc gia đình hay những bữa cơm sum vầy là điều xa xỉ đối với những thầy cô cắm bản. Vì điều kiện công tác, nhiều thầy cô gạt nước mắt xa gia đình, ở lại cắm bản cho giấc mơ con chữ của những học trò được trọn vẹn.
Kể về chuyện của gia đình mình, thầy Nguyễn Văn Trọng nhớ lại, thầy và vợ đều cùng quê Bình Định. Họ yêu nhau khi còn là sinh viên Trường đại học Quy Nhơn. Sau khi ra trường vì ở quê nhà không tìm được việc, cả hai dắt díu nhau lên huyện miền núi Kon Plong gieo chữ.

Phải dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt

Cô Đỗ Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Hiếu, cho biết toàn trường có 27 giáo viên. Đa số giáo viên của trường là người ở nơi khác đến. Họ gửi con cái dưới xuôi cho người thân chăm sóc. Cả trường có 6 điểm trường thì điểm trường Kon Pling là khó khăn nhất. Vì là vùng sâu nên các thầy cô ở đây phải ăn uống rất kham khổ. Ngoài ra ở điểm trường này không có giếng, các thầy cô phải dùng nước suối để ăn uống, sinh hoạt. Hiện phòng giáo dục đang xin kinh phí khoan giếng để cải thiệncuộc sốngcác thầy cô.
Và một mái ấm nhỏ hình thành. “Lễ cưới được tổ chức ấm cúng ở phòng khu tập thể, thế là chúng tôi thành vợ chồng. Giờ đây đã hơn 10 năm, chúng tôi sinh được 2 người con. Đứa lớn năm nay vào lớp 4, đứa nhỏ mới vừa tròn 1 tuổi”, thầy Trọng khoe.
Dù là cùng dạy chung một huyện, thế nhưng vợ chồng thầy phải bám bản ở hai điểm trường cách nhau hơn 40 km. Cứ cuối tuần mới được về sum vầy ở khu tập thể. Nói là sum vầy nhưng 2 con nhỏ do không quen rừng thiêng nước độc nên thầy Trọng đã gửi về quê để nội ngoại chăm sóc. Còn vợ chồng thầy Trọng phải ở lại cắm bản tiếp tục gieo chữ.
“Đứa đầu mới sinh được 5 tháng thì hai vợ chồng phải quay lại công tác. Mỗi lần gọi về cho bà ngoại chỉ nghe tiếng con khóc ngặt nghẽo. Đến đứa thứ 2 vợ mình được ở nhà với con lâu hơn vì vào dịp hè. Nhiều lúc nhớ con chỉ biết lôi điện thoại ra ngắm. Muốn gọi điện về thăm con cũng khó vì trên này sóng yếu lắm. Hai vợ chồng đành động viên nhau cố gắng, cứ 2 tháng lại lấy xe máy đèo nhau về quê thăm con”, thầy Trọng chia sẻ.

Bữa ăn tươi là những thứ xa xỉ

Tiếng trống trường vừa dứt, học sinh tan học về, các thầy cô vội vàng chia nhau đi chuẩn bị bữa cơm đạm bạc. Người ra bìa rừng hái rau dại, người vo gạo nấu cơm, người xách túi cá khô để trong góc bếp ra nướng.
Khi nồi cơm trên bếp lửa vừa kịp sôi, 2 cô giáo của trường lục tục trở về, trên tay là bó rau dớn vừa hái bên bìa rừng.
Giáo viên cắm bản và những bữa cơm rau dại

Những con cá khô được nướng trên bếp than

Nhìn vào bữa cơm đãi khách, có phần ái ngại, thầy Nhất nói như giải thích: “Vì là vùng sâu vùng xa của huyện nên ở đây không có chợ. Chiều chủ nhật tuần nào cũng vậy, chúng tôi mang từ cân thịt, con cá hay chai mắm, lọ muối, túi gạo, bịch đường chất lên xe ngược núi. Số thực phẩm này là dành cho một tuần cắm bản”.
Những ngày đầu tuần, thức ăn của các thầy cô có phần đủ đầy hơn những ngày sau đó. Nói là đủ đầy nhưng bữa ăn cũng chỉ là miếng thịt hay con cá được kho mặn để ăn dần. Những ngày tiếp theo là điệp khúc cá khô, trứng chiên và rau dại. Nhiều hôm rảnh rỗi, để cải thiện bữa ăn, thầy Nhất, thầy Trọng rủ nhau đi bắt cá suối, mò ốc. Nhưng lâu lâu mới bắt được một bữa nên thực phẩm tươi sống đối với thầy cô luôn là những thứ xa xỉ.
Vừa nhặt mớ rau dại cô Hoa vừa góp chuyện: “Có hôm đi hái rau rừng mãi không có, tôi đành sang vườn nhà người dân xin quả bầu đất về nấu canh. Lúc này họ mới ngỡ ngàng vì trong bản loại bầu này chỉ dành cho heo ăn. Họ mới hỏi lại, cô giáo mà lại ăn rau heo à. Lúc ấy tôi vừa ngượng vừa buồn cười. Sau này biết loại bầu ấy ăn được, người dân cứ hễ đi ngang trường là mang vào cho cô giáo”.
Không chỉ thiếu thốn về thức ăn tươi sống, các thầy cô còn phải đối diện với nỗi lo thiếu nước sinh hoạt. Điểm trường nằm trên mỏm đá nên việc đào giếng lấy nước là bài toán nan giải. Thương thầy cô thiếu nước, dân bản đã lắp đường ống dẫn nước từ trong núi về cho thầy cô sử dụng.
Bữa cơm trưa được bày ra giữa phòng ăn vương mùi cá khô nướng cháy xém. Chúng tôi ăn thử một miếng, vị mặn đắng lan dần trong cuống họng. “Mặn một tí thôi, xíu nữa uống thêm nhiều nước là hết khát ấy mà”, cô Hoa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.