Điểm chuẩn tăng nhưng nhiều ngành vẫn xét bổ sung !

06/10/2020 07:02 GMT+7

Dù điểm chuẩn vào đại học năm nay tăng mạnh nhưng do sự phân hóa cao giữa các ngành nên bên cạnh ngành điểm rất cao thì trong cùng một trường vẫn có những ngành phải tuyển bổ sung.

Có trường công tuyển bổ sung 40% chỉ tiêu

Điển hình là Trường ĐH Quốc tế, dù điểm chuẩn ngành cao nhất lên tới 27 nhưng trường vẫn dự kiến phải xét tuyển bổ sung khoảng 40% chỉ tiêu của hầu hết các ngành (trừ 3 ngành có điểm chuẩn cao nhất gồm: logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản trị kinh doanh và ngôn ngữ Anh). Theo đó, điểm nhận hồ sơ xét tuyển theo dự kiến 20 điểm (các ngành chính quy do trường cấp bằng) và 18 điểm (các ngành chương trình liên kết quốc tế).
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết so với năm ngoái điểm chuẩn các ngành tăng từ 1 - 2,5 điểm. Trong đó, ngành cao nhất ngôn ngữ Anh tăng từ 21 điểm năm ngoái lên 23,5 điểm năm nay. Tuy nhiên, trường vẫn phải dự kiến xét tuyển bổ sung khoảng 120 chỉ tiêu cho 4 ngành chương trình chất lượng cao và 8 ngành chương trình chuẩn, tập trung các ngành kỹ thuật và nuôi trồng thủy sản.
Điểm chuẩn các ngành tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng tăng 2 - 3 điểm so với năm ngoái, trong đó ngành tăng nhiều nhất là marketing (tăng 5 điểm so với năm ngoái, lên mức 24,5 điểm). Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, trường dự kiến tiếp tục tuyển bổ sung các ngành tại Phân hiệu Quảng Ngãi, không xét thêm với các ngành tại cơ sở chính TP.HCM.

83 trường ĐH xét tuyển bổ sung

Theo Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), cả nước có 308 trường (trên tổng số 312 trường) sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển ĐH. Kết quả lọc ảo cho thấy, có 165 trường xác định được mức điểm trúng tuyển mà số TS có nguyện vọng đạt điểm chuẩn trở lên đạt từ 100% chỉ tiêu trở lên; 40 trường đạt từ 70% đến dưới 100% chỉ tiêu; 24 trường đạt từ 50% đến dưới 70% chỉ tiêu và 83 trường đạt dưới 50% chỉ tiêu.
Sau kết quả xét đợt 1, có 83 trường có tỷ lệ trúng tuyển dưới 50% sẽ tổ chức xét tuyển bổ sung từ 15.10 đến hết năm 2020. Số trường này chủ yếu là các trường ngoài công lập; các trường thuộc tỉnh, vùng sâu, vùng xa; các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non.  
 Q.Hiên
PGS-TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng thông tin trường này có thể xét tuyển bổ sung cả phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT các ngành: công tác xã hội (đại trà), công nghệ sinh học (đại trà và chất lượng cao), kỹ thuật xây dựng (đại trà và chất lượng cao). Theo đó, mỗi chương trình xét khoảng 20 chỉ tiêu, điểm nhận hồ sơ bằng với điểm chuẩn đợt 1 (18 điểm phương thức học bạ và 16 điểm phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT).
Mức độ chênh lệch điểm chuẩn giữa các ngành tại Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM lên tới trên 10 điểm. Trong đó, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng cao nhất 25,4 điểm trong khi nhiều ngành chỉ ở mức 15 điểm. Tiến sĩ Trần Thiện Lưu, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết hiện đang xét tuyển bổ sung đợt 3 với phương thức xét tuyển học bạ THPT. Còn phương thức điểm thi tốt nghiệp, trường sẽ chờ sau khi thí sinh (TS) xác nhận nhập học mới biết có xét tiếp hay không.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng cũng vừa có thông báo dự kiến xét tuyển bổ sung nhiều ngành. Trong đó, các ngành chương trình tiêu chuẩn gồm: toán ứng dụng, thống kê, khoa học môi trường, công nghệ kỹ thuật môi trường, bảo hộ lao động, quy hoạch vùng và đô thị, kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, golf. Ngoài ra, trường này còn dự kiến xét bổ sung nhiều ngành thuộc chương trình chất lượng cao, chương trình học bằng tiếng Anh, chương trình liên kết và các ngành tại cơ sở Nha Trang, Bảo Lộc.

Nhiều cơ hội ở các trường tư

Tại chương trình tư vấn trực tuyến chủ đề “Điểm chuẩn và cơ hội xét tuyển bổ sung” diễn ra chiều 5.10 được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và kênh YouTube Báo Thanh Niên, các chuyên gia tuyển sinh đã cung cấp cho TS nhiều cơ hội xét tuyển bổ sung.
Chia sẻ về cơ hội cho TS trong đợt xét tuyển kế tiếp, thạc sĩ Nguyễn Bá Anh, Phó trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết hiện hầu hết các ngành của trường đều còn chỉ tiêu. Như thông báo của Bộ GD-ĐT, từ ngày 5 - 10.10, TS sẽ xác nhận nhập học. Sau ngày 10.10 các trường sẽ căn cứ lượng TS nhập học để đưa ra chỉ tiêu cần tuyển sinh bổ sung.
Năm nay Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển bằng cả 4 phương thức (bằng học bạ, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm thi năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và tuyển thẳng). Hiện nhà trường đã tiến hành nhập học cho TS trúng tuyển bằng học bạ và điểm thi đánh giá năng lực. 95% TS xét tuyển bằng phương thức này đã nhập học. Riêng về phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, trường đã nâng chỉ tiêu lên tới 75% nên TS vẫn còn rất nhiều cơ hội vào trường nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1.
Trường còn có nhiều chính sách học bổng dành cho tân sinh viên như suất học bổng 5 triệu đồng cho 3.000 học sinh nhập học đầu tiên, học bổng 5 triệu đồng cho suất học tiếng Anh, 100% sinh viên nhập học đều nhận được học bổng 3 - 5 triệu đồng tùy điểm đầu vào.
Còn thạc sĩ Mai Đức Toàn, Giám đốc tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Tân Tạo, thì cho biết phải sau ngày 10.10 các trường ĐH mới công bố chỉ tiêu còn lại tuy nhiên dựa trên lượng hồ sơ thực tế, hầu hết các ngành của trường này cũng còn nhiều chỉ tiêu. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung tất cả các ngành là 15, y đa khoa 22, điều dưỡng 19.
Ngoài ra, trường cũng tiếp tục tuyển sinh bằng các phương thức khác như xét tuyển bằng học bạ, điểm thi năng lực của TS nên cửa vào ĐH vẫn rộng mở. “Việc chọn ngành học theo mong muốn của mình cũng không khó khi hiện nay một ngành có rất nhiều trường đào tạo, TS có thể chọn học ở những trường có điểm chuẩn tương đương với số điểm mình có”, thạc sĩ Mai Đức Toàn chia sẻ. Năm nay trường cũng dành chính sách học bổng 20 - 50% học phí để hỗ trợ sinh viên do ảnh hưởng của dịch.
Trong khi đó, thạc sĩ Trần Phán Lịnh, Tổ trưởng tổ công tác tuyển sinh Trường ĐH Hùng Vương, cho biết điểm trúng tuyển các ngành của trường năm nay tăng 1 điểm so với trước đó, điểm chuẩn các ngành hầu hết là 15 và chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi của trường cũng còn rất nhiều. “Điểm nhận hồ sơ đợt 2 của trường dự kiến cũng từ 15 điểm, với những TS điểm thi không cao thì có thể xét tuyển bằng hình thức học bạ để nâng cao cơ hội đậu ĐH”, thạc sĩ Trần Phán Lịnh khuyên.
Tại Trường ĐH Văn Hiến, thạc sĩ Trần Mạnh Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông, cũng cho biết rất nhiều ngành học của trường vẫn còn chỉ tiêu xét tuyển bổ sung, TS có thể tìm hiểu thông tin cụ thể trên website hoặc gọi điện trực tiếp đến trường. Đặc biệt, năm nay trường tuyển sinh thêm nhiều ngành mới như: công nghệ sinh học, truyền thông đa phương tiện, công nghệ thực phẩm, điều dưỡng… TS tham gia xét tuyển đối với phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT đều có học bổng 20 - 50%, thậm chí có học bổng tới 100% học phí.
Thạc sĩ Trần Mạnh Thái cũng lưu ý không nên “nhất nhất” chọn đúng một ngành của một trường nào đó, vì trên thực tế có nhiều ngành học chỉ khác nhau tên gọi, còn về chương trình học khá tương đương. Các ngành học chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản, bản thân sinh viên phải bổ sung nhiều kiến thức, kỹ năng để nâng cấp mình. Do vậy với đợt xét tuyển thứ 2, TS có thể chọn ngành tương đương hoặc học ngành mình thích ở một trường khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.