Chọn ngành đáp ứng yêu cầu xã hội

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
26/03/2018 09:01 GMT+7

Nên lựa chọn ngành học nào để đăng ký nguyện vọng, xét tuyển vào trường nào thì phải tham gia kỳ thi năng lực... là những băn khoăn của học sinh và phụ huynh tỉnh Tiền Giang trong chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp Bộ GD-ĐT tổ chức sáng 25.3.

Học sinh các trường THPT Trương Định, Gò Công, Gò Công Đông và Phú Thạnh đã tham gia chương trình.
Học ngành gì để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt ?
Báo Thanh Niên trân trọng cảm ơn Ban Giám hiệu Trường THPT Trương Định, TX.Gò Công đã phối hợp tổ chức thành công chương trình; các trường ĐH Lạc Hồng, ĐH Quốc tế Sài Gòn trao học bổng; Công ty Du lịch Vietravel hỗ trợ đưa đón đoàn tư vấn.
Không chỉ quan tâm tới việc chọn ngành học gì, Huỳnh Văn Thông, học sinh (HS) Trường THPT Trương Định, còn đặt vấn đề: “Trong thời gian qua, tỉnh Tiền Giang quê em xảy ra tình trạng thiếu nước ngọt, em nên học ngành gì để giải quyết tình trạng này tại địa phương?”.
Thạc sĩ Trần Ký, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết: “Để có kiến thức về vấn đề này, các em có thể đăng ký học chuyên ngành kỹ thuật tài nguyên nước để được trang bị kiến thức quản lý, quy hoạch, khai thác, thiết kế và vận hành các công trình tài nguyên nước. Ngoài ra, có chuyên ngành quản lý tổng hợp tài nguyên nước, các em sẽ được học về điều tra, khảo sát, đánh giá, phân tích và phân bố tài nguyên nước một cách hợp lý, đáp ứng nhu cầu thực tế”.
Lo lắng học xong ngành sư phạm liệu có thể về địa phương xin việc làm ngay, một HS Trường THPT Gò Công băn khoăn: “Em thích học ngành sư phạm nhưng em thấy chính sách có nhiều thay đổi, học xong khó xin việc, chỉ tiêu ít… Vậy cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp ra sao?”. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ: “Gần đây thông tin số người tốt nghiệp khối ngành sư phạm chưa có việc làm là có thật. Để chấn chỉnh việc dư thừa và tốt nghiệp không làm đúng ngành nghề của người học sư phạm, Bộ GD-ĐT năm nay quy định sư phạm là nhóm ngành duy nhất có điểm tối thiểu xét tuyển. Ngoài ra, các trường đào tạo sư phạm phải phối hợp với các địa phương để xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên ở từng môn học trong 10 năm tới”.
Cần trang bị kỹ năng gì để có việc làm ?
Một trong những mối quan tâm lớn nhất của HS trong chương trình tư vấn là lựa chọn ngành học nào và phải chuẩn bị những gì để tốt nghiệp có việc làm ngay. Phạm Thị Yến Nhi, HS lớp 12 Trường THPT Trương Định, thắc mắc: “Em đọc thông tin thấy các phương tiện truyền thông nói rằng học khối ngành kinh tế rất khó xin việc. Như vậy, để có việc làm thì tụi em phải học trường nào và phải trang bị kỹ năng, kiến thức gì?”.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Nhật, đại diện Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nhìn nhận: “Cơ hội việc làm cao hay không còn phụ thuộc vào sự nỗ lực của bản thân người học và phụ thuộc vào sự chọn lựa ngay từ bây giờ của các em. Để học tốt những ngành kinh tế, các em phải có sự năng động, khả năng giao tiếp, thích ứng tốt…”.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng trường ĐH chỉ trang bị các kiến thức nền tảng. Các em phải có sự chủ động học hỏi và tự tạo cơ hội việc làm cho chính mình. Bên cạnh chuyên môn, phải năng động, sáng tạo để ứng dụng những gì đã học vào trong đời sống. Trong quá trình học, các em nên chủ động và tích cực tham gia vào các hoạt động cộng đồng, đây sẽ là thế mạnh khi đi xin việc sau này vì nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những ứng viên có kinh nghiệm và kỹ năng giao tiếp, quan hệ xã hội, giải quyết vấn đề…
Cũng là một ngành liên quan đến kinh tế nhưng chỉ mới xuất hiện gần đây, ngành logistics được HS Trần Ngọc Thủy Tiên, lớp 12A1 Trường THPT Trương Định, muốn biết cơ hội việc làm và những thách thức của ngành này trong tương lai. Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, thông tin: "Logistics và vận tải đa phương thức là sự kết nối giữa các phương thức vận tải và hệ thống kho bãi để đưa hàng hóa ra thị trường mà tiết kiệm được thời gian, chi phí. Hiện nay các công ty quốc tế về lĩnh vực này đặt cơ sở tại VN rất nhiều. Vì vậy thách thức đối với người học ngành này là phải có khả năng làm việc trong môi trường đa quốc gia, quốc tế".
Nghe tư vấn, nhận điện thoại thông minh
Đại diện Báo Thanh Niên và thầy Nguyễn Thanh Hải (phải), Phó hiệu trưởng Trường THPT Trương Định, trao quà cho học sinh Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong chương trình tư vấn mùa thi năm 2018 tại Trường THPT Trương Định (Gò Công, Tiền Giang) 2 học sinh của trường này là Nguyễn Thị Thanh Thùy (lớp 12/7) và Võ Minh Phương (lớp 11/1) đã trúng thưởng điện thoại thông minh Mobiistar do Công ty cổ phần phát triển công nghệ Mobile star tặng. Nữ Vương


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.