Bức tranh xúc động về y bác sĩ chống dịch Covid-19 do thầy giáo già vẽ

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
23/04/2020 11:11 GMT+7

Đó là những bức tranh về người mẹ mặc bộ đồ bảo hộ kín mít chỉ thấy đôi mắt đang nhìn âu yếm vào điện thoại khi nói chuyện với con; hay những y bác sĩ đang giơ cao tay thể hiện quyết tâm chống dịch...

Trong thời gian ở nhà cách ly xã hội, ông Trần Minh Lý (62 tuổi, ngụ Q.2, TP.HCM) đã dành nhiều thời gian để khắc họa lại hình ảnh những y bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Những bức tranh thể hiện sự trân trọng, cũng nhau lan tỏa sự hy sinh của những người làm việc trong ngành y.

Bức họa đặc biệt: ‘Hết dịch mẹ sẽ về’

Ông Lý kể, 1 giờ sáng, đang ngủ thì ông bỗng tỉnh giấc, ông chợt nghĩ tới một vài đường vẽ cần thiết cho bức họa đang dang dở của mình. Thế là ông lặng lẽ bước ra khỏi giường để xuống tầng trệt, nơi mọi thứ đang lộn xộn. Ông gọi đây là không gian sáng tạo nghệ thuật của mình, cứ thế ông ngồi vẽ đến sáng, có khi quên ăn quên ngủ.
Bức tranh ông đang vẽ dở mang tên “Hết dịch mẹ sẽ về” khắc họa hình ảnh người mẹ, là nhân viên y tế trong tuyến đầu chống dịch Covid-19 đang mặc bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, chỉ để lộ đôi mắt qua tấm chắn giọt bắn. Đôi mắt cô thoáng chút buồn, lo lắng khi nhìn vào màn hình điện thoại để nói chuyện với con.
Ông Lý cho biết bức họa này được ông phác thảo từ ngày 19.4, từ cảm xúc dâng trào khi xem tin tức thời sự về hình ảnh những y bác sĩ, cũng là người mẹ đang làm nhiệm vụ ở các bệnh viện. Họ vì dịch bệnh nên phải tạm xa gia đình, không dám về thăm chồng con mà chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại.

Hình ảnh người mẹ trong bộ đồ bảo hộ kín mít, chỉ thấy đôi mắt nhìn chăm chú vào điện thoại để nói chuyện với con, người thân trong thời gian làm việc ở bệnh viện

Nguyễn Loan

“Cái khó nhất của bức tranh này là phải truyền được thông điệp vào đôi mắt của nữ nhân viên y tế. Đôi mắt ấy chứa đựng sự thương nhớ, vừa pha chút lo lắng khi không ở bên chăm sóc con trong thời gian này, vừa phải thể hiện được ý chí của một nhân viên y tế đang ngày đêm điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân bị nhiễm bệnh. Tôi bị ám ảnh vì đôi mắt ấy nên khi có ý tưởng tôi phải bật dậy ngay”, ông Lý nói và cho biết, đây chính là lý do khiến ông tỉnh giấc vào lúc 1 giờ sáng để vẽ.
Đây cũng là bức tranh khiến ông trăn trở nhiều nhất, hiện ông Lý đã phác họa các đường nét cơ bản của bức tranh và đang phối màu, hoàn thiện nó.

Vẽ để ghi lại và lan tỏa tinh thần chống dịch của các y bác sĩ

Ông Trần Minh Lý từng là giáo viên môn mỹ thuật tại Trường THCS Thạnh Mỹ Lợi (Q.2). Được đào tạo bài bản về chuyên ngành mỹ thuật, hội họa nên ngoài chuyên môn ông còn có đam mê đặc biệt với lĩnh vực này. Trước đây, ngoài đi dạy ông còn được các trường mầm non, tiểu học nhờ vẽ trang trí tường, khuôn viên trường.
Nhiều năm trở lại đây, khi đã về hưu ông dành thời gian cho đam mê vẽ của mình. Nhưng với ông, chủ đề vẽ về những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch Covid-19 lần này mang lại cho ông cảm xúc đặc biệt hơn cả.
“Mỗi lần bật tivi, xem những hình ảnh các y bác sĩ trong hoàn cảnh đặc biệt này tôi lại có rất nhiều cảm xúc, điều này thôi thúc tôi vẽ nên những bức tranh về họ”, ông Lý nói. Đây là cách để ông ghi lại những khoảnh khắc đặc biệt cũng như lan tỏa, nhắc mọi người nhớ và biết ơn tinh thần chống dịch của y bác sĩ.

Ông Lý dành nhiều thời gian để vẽ những bức tranh thể hiện tinh thần chống dịch của các y bác sĩ

Nguyễn Loan

Nhưng từ những hình ảnh lướt qua đến việc phác họa lại là điều không hề đơn giản. Mỗi lần có một ý tưởng nào đó ông đều vẽ nhanh vào bản nháp, sau đó chọn những bức ưng ý nhất để tỉ mỉ ngồi hàng giờ trong nhiều ngày để vẽ lại, rồi phối màu để hoàn thiện bức tranh.
Ở những chi tiết khó, như ánh mắt, đôi bàn tay, hay những động tác cầm nắm… bà Nguyễn Thị Kim Thanh (62 tuổi) - vợ ông - bất đắc dĩ trở thành người mẫu để dựng hình. Bà cũng là người lo công tác “hậu cần”, cơm nước để ông có thể tập trung cho đam mê của mình.
“Công việc này mất rất nhiều thời gian mà cũng chẳng mang lại thu nhập nên để thực hiện được, vợ con và các cháu đã ủng hộ, động viên tôi rất nhiều”, ông Lý nói và cho biết mỗi bức tranh ông mất khoảng một tuần lễ để hoàn thành, nhưng cũng có những bức chưa vừa ý, ông sửa đi sửa lại trong cả tháng.
Những bức tranh này sau khi hoàn thành ông sẽ mang tặng cho các tổ chức, cơ quan để lan tỏa cũng như góp phần tuyên truyền, ghi nhớ công ơn của những người chống dịch ở tuyến đầu.
Hiện ông đã hoàn thành 2 bức tranh cỡ lớn với tựa đề “Thương cô y, ghét cô vy” và bức “Chung tay phòng chống dịch Covid-19”. Cả hai đều khắc họa lại hình ảnh của những người làm trong ngành y với bộ đồ bảo hộ, nhưng ánh mắt vẫn toát lên được tinh thần lạc quan, sự quyết tâm trong việc đẩy lùi dịch bệnh.

Người thổi hồn vào rác thải

Không chỉ vẽ tranh để giáo dục con cháu về ý thức bảo vệ môi trường, ông Trần Minh Lý còn “thổi hồn” vào rác thải. Ông dành thời gian biến những quả banh hỏng, ống hút nhựa, nắp chai, hộp bánh… đã vứt đi thành những con heo đất, vật dụng trang trí cho nhà tắm hay đồ chơi độc đáo cho các cháu.

Những chai sữa tắm, dầu gội vứt đi, ông Lý khắc họa, vẽ lại thành những vật dụng sống động

Nguyễn Loan

“Những vật dụng này hầu hết mọi người bỏ đi sau khi dùng, tôi thấy như vậy thì phí quá lại gia tăng chất thải ra môi trường nên nghĩ cách tái chế để sử dụng lại”, ông Lý nói và cho biết, trong quá trình đi làm ông lượm lặt những quả banh hỏng ở trường, còn đồ dùng trong nhà, mỗi chai sửa tắm, dầu gội đầu khi dùng xong đều được ông vẽ, khắc lên những bức tranh sống động.

Vỏ hộp kẹo, ống hút, nắp chai... được ông Lý chế tạo thành đồ chơi cho cháu

Nguyễn Loan

Cũng như những bức tranh, mỗi tác phẩm tái chế được ông tỉ mỉ ngồi khắc từng nét vẽ, có khi mất 3-4 ngày mới xong. Nhưng khi bạn bè, người quen tới trầm trồ ông liền tặng lại để mọi người cùng tái sử dụng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.