Gian nan lấy đất công xây trường học: Phải thu hồi đất công để trống

16/03/2022 06:08 GMT+7

Nhiều đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM cho rằng đất công bỏ trống, sử dụng sai mục đích cần sớm thu hồi để xây dựng các công trình phúc lợi như trường học, bệnh viện, công viên...

Lãng phí hàng trăm mặt bằng

Trong các buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 tại một số đơn vị, các đại biểu và lãnh đạo đơn vị rất tiếc nuối trước tình trạng lãng phí đất công diễn ra phổ biến.

Đơn cử như Tổng công ty TNHH MTV nông nghiệp Sài Gòn (SAGRI) đề xuất UBND TP.HCM bàn giao lại 18 mặt bằng nhà, đất không còn nhu cầu sử dụng từ năm 2020, nhưng đến nay mới chỉ có 2 mặt bằng có quyết định thu hồi; 16 khu còn lại được quy hoạch làm trường học, công viên, khu dân cư… không đúng ngành nghề kinh doanh nên SAGRI không thể sửa chữa, xây dựng để khai thác. Ông Phạm Thiết Hòa, Tổng giám đốc SAGRI, cho biết đây là vướng mắc chung của các doanh nghiệp (DN) nhà nước, dẫn đến bất cập dù không sử dụng nhưng vẫn phải đóng tiền thuê đất hằng năm rất lớn, còn khu đất lại bỏ trống.

Đại biểu Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP.HCM, nhìn nhận hiện việc lập các đề án sử dụng tài sản công vào việc cho thuê, liên doanh, kinh doanh... ở nhiều nơi còn chậm, gây lãng phí lớn. Như tại Q.Bình Thạnh, có 44/75 đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, nhưng mới chỉ có 34 đơn vị lập đề án và cũng chưa được UBND TP phê duyệt phương án nào. Còn ở Sở VH-TT TP.HCM, nhiều mặt bằng mỗi tháng có thể thu hàng trăm triệu đồng nhưng lại bỏ trống, nhà nước phải bỏ tiền thuê bảo vệ, sửa chữa hằng năm.

Do đó, ông Bình cho rằng nếu có đề án mẫu để triển khai việc quản lý tài sản liên doanh, liên kết; phương pháp tính khấu hao tài sản, phát huy hiệu quả và bổ sung cho tài sản nhà nước, thì sẽ giải quyết được bài toán “bỏ trống” tài sản công.

Ông Trần Phi Long, Chủ tịch UBND Q.11, cho biết trên địa bàn Q.11 còn nhiều mặt bằng của cơ quan T.Ư và TP.HCM bỏ trống, sử dụng không hiệu quả do thiếu sự đầu tư. Thậm chí có đơn vị còn sử dụng sai mục đích như trường đua Phú Thọ lấy mặt bằng cho thuê làm nhà hàng, quán ăn đã bị xử phạt và yêu cầu tạm dừng việc cho thuê.

Hiện Q.11 đang rà soát lại toàn bộ mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước để đánh giá hiệu quả, sau đó kiến nghị thu hồi các mặt bằng có diện tích lớn để xây trường học. Chủ tịch UBND Q.11 cũng cho biết Sở VH-TT TP.HCM dành 11 ha đất khu vực trường đua Phú Thọ về cho quận, dự kiến quận xây dựng trường cấp 3 rộng 2,5 ha, còn lại làm công viên và các công trình công cộng khác.

Kiên quyết thu hồi mặt bằng vi phạm

Trao đổi với Thanh Niên, TS Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Quản lý và kinh tế TP.HCM, nhìn nhận tình trạng nhiều khu đất sử dụng không đúng mục đích, bỏ hoang nhưng học sinh lại thiếu trường học là điều bất hợp lý. Vì vậy, chính quyền TP.HCM cần có giải pháp để phát hiện nhanh, xử lý kịp thời nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, tổ chức và chính quyền địa phương.

Ông Thắng đánh giá nguồn lực đất đai bị lãng phí còn đến từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch quá chậm trễ; và đây là nguyên nhân gốc rễ của mọi vấn đề, chủ yếu đến từ bất cập trong cơ chế chính sách, sự chồng chéo trong quản lý của các bộ ngành. “Tất cả là ở con người. Nếu cán bộ có tâm, muốn thúc đẩy xã hội phát triển nhanh thì sẽ giải quyết nhanh các thủ tục, giải tỏa những bức xúc của xã hội”, ông Thắng nói và đề nghị các quận làm rõ nguồn gốc đất, tình trạng pháp lý, và báo cáo HĐND TP.HCM để xem xét, giải quyết.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng địa phương cần chủ động rà soát, kiểm kê, đánh giá lại tất cả tài sản công hiện nay trên địa bàn để thực hiện việc thu hồi, đấu giá hoặc phân bổ cho các đơn vị có nhu cầu xây dựng các công trình phúc lợi xã hội. “Việc này cần làm đồng bộ, chứ không chỉ thu hồi đất của DN rồi để đó”, ông Ngân nói.

Theo ông Ngân, còn có một bất cập lớn nữa, đó là Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cho phép TP.HCM hưởng 50% tiền bán tài sản công gắn liền trên đất do cơ quan, tổ chức thuộc T.Ư quản lý (sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới), nhưng đến nay cũng chưa triển khai được mặt bằng nào. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết nguyên nhân chính là do sự thiếu hợp tác trong việc bán tài sản công của các cơ quan T.Ư; còn việc cổ phần hóa DN nhà nước chậm do chưa có hướng dẫn thống nhất giữa các bộ, ngành.

Từ kết quả khảo sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cho biết không phải mặt bằng nào của các đơn vị T.Ư cũng sử dụng đúng mục đích, đồng thời đề nghị các quận huyện chủ động rà soát, đánh giá hiệu quả các khu đất công. Nếu mặt bằng nào không hiệu quả, sai mục đích thì đề xuất UBND TP thu hồi để điều chỉnh quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình giáo dục, y tế, văn hóa…

Bà Tuyết nhìn nhận việc thu hồi các khu đất của cơ quan T.Ư không hề dễ dàng nhưng đây là vấn đề mà cử tri rất bức xúc, kiến nghị nhiều lần. Đoàn ĐBQH TP.HCM sẽ đeo bám, kiến nghị UBND TP.HCM và Chính phủ sớm giải quyết những mặt bằng vi phạm, không hiệu quả. Bà Tuyết cũng cho biết, điểm thuận lợi là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự ủng hộ đối với TP.HCM trong vấn đề này.

Quyết định thu hồi đất… trên giấy !

Trong buổi làm việc với Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu mới đây, UBND Q.10 một lần nữa kiến nghị bổ sung nguồn vốn trung hạn khoảng 316 tỉ đồng để xây dựng trường THCS đạt chuẩn quốc gia trên khu đất số 419 Lê Hồng Phong, P.2, Q.10.

Cũng cần nói thêm, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, cho thuê lại làm bãi xe trên khu đất này đã được Báo Thanh Niên phản ánh liên tục. Thanh tra Sở TN-MT cũng đã xử phạt các hành vi vi phạm của DN được thuê đất. UBND Q.10 cũng thường xuyên báo cáo, đề xuất UBND TP.HCM thu hồi đất để xây dựng trường học. Sau đó, UBND TP đã điều chỉnh quy hoạch đất sang đất giáo dục, đồng thời ban hành quyết định thu hồi đất vào ngày 28.5.2021, lý do khu đất này được nhà nước cho thuê có thời hạn, đến ngày 31.12.2020 là hết thời hạn thuê đất và không được gia hạn.

Đến nay sau gần 10 tháng, khu đất trên vẫn nhộn nhịp xe cộ chở hàng, chở khách ra vào nườm nượp như chưa hề có một quyết định thu hồi đất nào của chính quyền TP.HCM.

Nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết, sau khi UBND TP.HCM ban hành quyết định thu hồi đất, DN sử dụng khu đất là Công ty CP giáo dục G Sài Gòn có đơn khiếu nại quyết định thu hồi. Hiện UBND TP.HCM đã giao Sở TN-MT TP.HCM tham mưu văn bản trả lời đơn của DN.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.