EU 'sờ gáy' thị trường thiết bị y tế Trung Quốc, Bắc Kinh phản ứng ngay

Trí Đỗ
Trí Đỗ
24/04/2024 17:37 GMT+7

Liên minh châu Âu (EU) ngày 24.4 mở một cuộc điều tra về hoạt động mua sắm các thiết bị y tế công cộng của Trung Quốc, động thái có thể khiến gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.

Reuters đưa tin ngày 24.4, đây là cuộc điều tra đầu tiên trong khuôn khổ Công cụ Mua sắm Quốc tế (IPI) của EU, với mục đích thúc đẩy sự "có đi có lại" trong việc tiếp cận thị trường mua sắm công quốc tế. Kết quả cuộc điều tra lần này có thể dẫn đến việc EU áp đặt hạn chế khả năng tiếp cận thị trường đối với các công ty thiết bị y tế Trung Quốc trong khối 27 quốc gia thành viên EU.

Hình ảnh minh họa về việc EU mở cuộc điều tra thị trường thiết bị y tế Trung Quốc

Hình ảnh minh họa về việc EU mở cuộc điều tra thị trường thiết bị y tế Trung Quốc

Tân hoa xã

Phía EU đã liệt kê một số vấn đề mà liên minh này nghi ngờ Bắc Kinh "ưu ái" các nhà thầu một cách không công bằng. Theo đó, Trung Quốc có thể áp dụng chính sách "Made in China", áp đặt các hạn chế về nhập khẩu hàng hóa, và điều chỉnh các điều kiện khiến giá thầu thấp bất thường.

AFP ngày 24.4 dẫn lại thông cáo chính thức của EU cho biết: "Đánh giá sơ bộ của Ủy ban châu Âu là các biện pháp và thông lệ hạn chế gây suy giảm nghiêm trọng và thường xuyên về mặt pháp lý cũng như thực tiễn đối với khả năng tiếp cận của các nhà phát triển kinh tế, hàng hóa và dịch vụ của EU".

Phản ứng về thông tin trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã chỉ trích cuộc điều tra, gọi động thái này sẽ "làm tổn hại hình ảnh của EU". Bên cạnh đó, ông Uông cũng cảnh báo EU dần tiến tới chủ nghĩa bảo hộ, đồng thời kêu gọi Brussels ngưng sử dụng bất kỳ lý do nào để trừng phạt vào hoạt động kinh doanh của Trung Quốc.

Bản Lite của TikTok vừa ra mắt đã bị điều tra

EU cho biết cuộc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 9 tháng kể từ khi bắt đầu, mặc dù Ủy ban châu Âu có thể gia hạn thêm 5 tháng. EU đã mời Trung Quốc đưa ra quan điểm riêng và cũng tham gia tham vấn với Ủy ban châu Âu để loại bỏ hoặc khắc phục các biện pháp và hành vi bị cáo buộc.

Theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator (MERICS-Đức), Trung Quốc là thị trường thiết bị y tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ), với trị giá khoảng 145 tỉ USD vào năm 2022.

Leo thang căng thẳng thương mại

EU đã phát động một làn sóng điều tra nhắm vào Trung Quốc về trợ cấp công nghệ xanh. Hồi đầu tháng 4 năm nay, EU đã khiến Bắc Kinh tức giận sau khi tuyên bố điều tra các nhà cung cấp tua bin gió của Trung Quốc. Các cuộc điều tra khác tập trung vào các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho tấm pin mặt trời, ô tô điện và xe lửa trong bối cảnh các nước châu Âu tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào thị trường Trung Quốc.

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen (phải) hội đàm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6.4.2023

Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von de Leyen (phải) hội đàm tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6.4.2023

REUTERS

Bên cạnh đó, EU gần đây triển khai một công cụ mới, được gọi là Quy định trợ cấp nước ngoài (FSR). Công cụ này được thiết kế để phát hiện các khoản trợ cấp của nhà nước "làm hỗn loạn thị trường" trên sổ sách của các công ty nước ngoài hoạt động tại EU.

Theo South China Morning Post ngày 24.4, bốn cuộc điều tra đã được tiến hành nhắm vào các công ty Trung Quốc bằng công cụ này. Hôm 23.4, các doanh nghiệp Trung Quốc bày tỏ sự hoang mang trước những "cuộc đột kích lúc bình minh" không báo trước của Ủy ban châu Âu vào văn phòng của một nhà sản xuất thiết bị giám sát Trung Quốc ở Hà Lan và Ba Lan, với chủ đích tìm kiếm bằng chứng về các khoản trợ cấp.

Phản ứng về động thái trên, Phòng Thương mại Trung Quốc tại EU (CCCEU) đưa ra tuyên bố: "Không có thông báo trước, các cơ quan thực thi được Ủy ban châu Âu ủy quyền đã tiến hành các cuộc đột kích tại văn phòng của công ty ở cả 2 quốc gia vào buổi sáng. Họ tịch thu thiết bị công nghệ thông tin và điện thoại di động của nhân viên, xem xét kỹ lưỡng các tài liệu văn phòng và yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu".

"CCCEU tái khẳng định sự phản đối kiên quyết của mình đối với việc Ủy ban châu Âu sử dụng FSR như một phương tiện để gây áp lực kinh tế cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại EU, đặc biệt là trong lĩnh vực chuyển đổi xanh", theo Hoàn Cầu thời báo ngày 23.3.

Nguy cơ xung đột thương mại toàn diện

Ông Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng châu Âu tại Trung Quốc, cảnh báo rằng Trung Quốc và châu Âu phải đối mặt với một "quả bom nổ chậm" khi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, dẫn đến nguy cơ leo thang thành một cuộc chiến thương mại toàn diện. Mặc dù, một số quan ngại về thương mại của 2 bên nước là chính đáng, nhưng xu hướng dự báo sẽ "tách rời" nếu các nhà lãnh đạo châu Âu và Trung Quốc không tăng cường đối thoại, ông Eskelund nói với Reuters ngày 17.4.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng, mặc dù tiềm năng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và EU vẫn còn rất lớn, nhưng điều quan trọng là liệu Brussels có thể áp dụng cách tiếp cận khách quan và công bằng đối với Trung Quốc hay không. "Nếu EU có thể hiểu đúng bản chất đôi bên cùng có lợi của thương mại Trung Quốc - EU, thì sự phát triển trong tương lai của thương mại hai bên sẽ đầy triển vọng", theo ông Li Dawei, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Trung Quốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.