Người Q.6 ở khu phong tỏa vì Covid-19: Đang yên lành, giờ ngồi đống lửa chỉ vì...

02/12/2020 18:14 GMT+7

Đang yên đang lành, nhiều người dân ở Q.6 ngỡ ngàng khi bỗng dưng phải sống trong tình trạng phong tỏa vì ở cùng khu vực với BN-1347 là giáo viên tiếng Anh. Cuộc sống bình yên sau gần 100 ngày không có Covid-19 phút chốc bị đảo lộn.

Sau bệnh nhân 1347, TP.HCM hôm qua đã có thêm 2 ca nhiễm Covid-19 mới đều sinh sống tại Q.6 và có tiền sử tiếp xúc với bệnh nhân này. Theo đó, nhiều khu vực tại đây đã được phong tỏa để khoanh vùng dịch, tránh lây lan trong cộng đồng.

Cảnh giác cao độ sau nhiều ca Covid-19 lây nhiễm cộng đồng ở TP.HCM

Đáng nói hơn, là BN 1347 sau khi gặp và ngủ lại ở nhà BN 1342 - người đang trong quá trình tự cách ly tại nhà - thì sinh hoạt thoải mái khi tiếp xúc BN 1347 tại nhà, còn tự đi học và tiếp xúc với nhiều người. Trong đó, có tiếp xúc với một học viên tiếng Anh và một cháu bé, sau đó cả hai đều xét nghiệm dương tính với Covid-19 và được đưa đi chữa trị. Thật không may mắn cho các cư dân, các họ là hàng xóm của họ vô tình trở thành khu vực phải phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh. 

Người trong khu phong tỏa ‘đứng ngồi không yên’

Nhiều nơi ở quận 6 bị phong tỏa vì liên quan bệnh nhân 1347, 1348, 1349

Có mặt tại các khu vực bị phong tỏa tại Q.6, PV Thanh Niên ghi nhận những nơi này được chính quyền địa phương quản lý nghiêm ngặt. Mọi hoạt động diễn ra tại đây đều phải đảm bảo các nguyên tắc phòng chống dịch bệnh Covid-19 theo đúng quy định.
Anh Nguyễn Anh Khoa (23 tuổi), đang sống trong khu vực bị phong tỏa tại lô C đường Phạm Văn Chí, P.7, (khu vực mà cháu bé 14 tháng tuổi - BN 1348) vô tình nhiễm Covid-19 do tiếp xúc với BN 1347. Anh cho biết bản thân anh và cả bố mẹ đều rất hoang mang khi hay tin nơi mình sinh sống có phát hiện ca bệnh Covid-19 mới.
“Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng có một ngày mình phải rơi vào cảnh này. Với tôi, sống trong cảnh phong tỏa còn hơi lạ lẫm vì tôi đã thích nghi với cuộc sống bình thường suốt mấy tháng nay. Nhà tôi không được khá giả nên tôi vừa đi làm vừa phải đi học, giờ suốt ngày ngồi trong nhà không làm gì ảnh hưởng rất lớn đến việc học và việc đi làm của tôi. Không biết thời gian tới phải sống sao đây”, anh buồn bã.

Nhiều người dân lo lắng khi nơi mình ở nằm trong diện phong tỏa.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Tuy nhiên, anh Khoa cho biết bản thân và gia đình sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch trong thời gian phong tỏa để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

Covid-19 rình rập, nhiều người vẫn không đeo khẩu trang bất chấp mức phạt 3 triệu

Thất nghiệp gần 1 năm nay kể từ khi có dịch Covid-19, chị Lâm Thu Yến (36 tuổi) hiện đang nằm trong khu vực phong tỏa tại lô E đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 buồn bã kể chắc chị còn phải thất nghiệp dài dài. Chị Yến nhớ lại: “Đang yên lành tự nhiên có người thông báo nói trong khu tôi ở có người bị nhiễm Covid-19, tôi bàng hoàng luôn như ngồi trên đóng lửa vì không biết mình có bị lây hay không. Này 30.11 cán bộ y tế có đến lấy mẫu xét nghiệm, sáng 1.12 là nhà tôi bị phong tỏa. Tôi có cho một người thuê mặt bằng trước nhà để bán hủ tiếu, hay tin có dịch họ trả mặt bằng không bán nữa. Có lẽ sắp tới là khoảng thời gian khó khăn của gia đình tôi”.
Người dân ở các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19: “Như ngồi trên đống lửa”

Nhiều người buồn bã khi công việc, cuộc sống bị đảo lộn.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Em Nguyễn Thảo Vy (9 tuổi) hiện đang học lớp 2 tại một trường tiểu học tại Q.6. “Hay tin không phải đến trường, em chưa kịp vui thì biết mình phải ở trong nhà không được ra ngoài. Ở nhà không có ai chơi với đeo khẩu trang suốt nên em vừa chán vừa thấy ngột ngạt. Không biết giáng sinh này em có được ra ngoài chơi không”, Vy kể.
Là công nhân làm ống nhựa, chị Bùi Thị Loan (42 tuổi) cho biết bản thân rất “sợ” phải sống trong cảnh phong tỏa như vậy. “Không được đi làm cũng không thể đi tới đi lui thì tiền đâu mà sống, sao mà vui cho được. Chưa kể con của tôi, môt đứa học lớp 10 cuối tháng này thi học kỳ, một đứa lớp 5, cả hai không đi học được. Tình hình này không biết việc học của các cháu ra sao”, chị Loan cho biết thêm.
Hiện tại, cuộc sống và sinh hoạt của 10 người trong gia đình chị Loan bị đảo lộn. “Thực phẩm thì hết nên tôi phải nhờ nhiều người bạn của mình bên ngoài tiếp tế. Chỉ mong sao tất cả chúng ta cùng có ý thức phòng chống bệnh để mọi thứ sớm trở lại bình thường và tôi được đón một mùa Tết an lành”, chị hy vọng.

Học sinh tại các khu vực bị phong tỏa không thể đến trường.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Người bên ngoài cũng "thấp thỏm"

Không chỉ những hộ dân trong diện bị phong tỏa lo lắng, người dân xung quanh cũng ‘không kịp trở tay’. Cuộc sống của nhiều người gần đó phụ thuộc vào kinh doanh buôn bán nhỏ lẻ. Trước tình hình mới, gánh nặng mưu sinh lại đè nặng hơn trên vai họ.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan (55 tuổi) bán cháo trước khu phong tỏa tại lô E, đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 than thở: “Tình hình này tôi không biết sống sao đây. Lỡ mua nguyên liệu rồi nên tôi ráng bán cho hết hôm nay chứ tôi cũng sợ mà khách cũng sợ. Chạy qua đây thấy bảng “phong tỏa” trước mặt thì ai mà dám lại ăn. Chắc xong hôm nay tôi nghỉ bán dọn đi nơi khác cho lành chứ vài bữa tôi bị đem cách ly luôn thì khổ”.
Người dân ở các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19: “Như ngồi trên đống lửa”

Một người dân tại lô C đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 được lấy mẫu xét nghiệm.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Những hộ kinh doanh gần khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chị Kiều, nhân viên một tiệm làm móng tay bộc bạch: “Chính quyền vẫn cho tôi kinh doanh bình thường và khuyến khích chúng tôi phải tự bảo vệ bản thân, tránh tiếp xúc gần. Mà làm công việc này thì tiếp xúc gần là không thể tránh, nên tôi không tự tin làm việc được. Nếu tôi không sợ thì khách cũng sợ nên là hoạt động trong hai hôm nay không được thuận lợi như trước. Tôi nghĩ cảnh này vẫn còn dài dài”.
Một người dân sống trước lô C đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 tâm sự: “Hay tin khu vực sát nơi mình ở bị phong tỏa, tôi không biết nên vui hay nên buồn. Một phần nhẹ nhõm vì không phải bị cách ly nhưng cũng rất lo lắng không biết mình có mang bệnh không. Dù như ngồi trên đống lửa nhưng tôi phải tự trấn an bản thân bình tĩnh, rồi tự nguyện đi xét nghiệm cho đỡ phải thấp thỏm”.
Người dân ở các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19: “Như ngồi trên đống lửa”

Người dân tại các khu phong tỏa được chính quyền địa phương hỗ trợ lương thực, thực phẩm.

ẢNH: CAO AN BIÊN

Theo ghi nhận, nhiều người muốn giao hàng tại các khu vực bị phong tỏa phải thực hiện đúng nguyên tắc để đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của cán bộ địa phương. “Biết mình giao hàng đến nơi có lệnh phong tỏa, tôi cũng có phần hoang mang. Nhưng nghĩ đến những người đó cần có nhu yếu phẩm để sử dụng trong lúc khó khăn như thế này nên tôi cũng đi giao”, anh Nguyễn Quốc Sang (27 tuổi, nhân viên giao hàng) cho hay.

Tiếp viên hàng không mắc Covid-19 đi khắp nơi khi đang cách ly: Lỗ hổng ở đâu?

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trần Đức Thọ là Chủ tịch UBND P.7, Q.6 cho biết hiện tại, Phường đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM và Trung tâm Y tế Q.6 tiến hành lấy mẫu xét nghiệm. Đến chiều 2.12, tổng số mẫu đã lấy đối với 92 hộ gia đình trong khu vực phong tỏa là 323 mẫu. Tất cả các trường hợp lấy mẫu tại lô E đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6 vào ngày 30.11 đã có kết quả âm tính. Lô C sẽ có kết quả trong thời gian sớm nhất.
Người dân ở các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19: “Như ngồi trên đống lửa”

Nhiều người ra nhận hàng hỗ trợ tại lô E đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6.

ẢNH: THẠCH TRUNG

Bên cạnh đó, UBND P.7, Q.6 thực hiện tiếp tế lương thực, thực phẩm hỗ trợ đợt đầu cho các hộ dân. Tổng số hàng hóa đã tiếp tế là 1 tấn gạo và 100 thùng mì gói. “Tùy tình hình thực tế, chúng tôi sẽ có các biện pháp hỗ trợ thêm đảm bảo người dân có đủ nhu yếu phẩm sử dụng trong những ngày phong tỏa. Đồng thời, người dân được phép mua, tiếp tế lương thực, hàng hóa từ bên ngoài. Tuy nhiên, phải đảm bảo các nguyên tắc phòng, chống dịch bệnh trong thời gian thực hiện phong tỏa”, ông Thọ thông tin thêm.
Người dân ở các khu vực bị phong tỏa vì Covid-19: “Như ngồi trên đống lửa”

Nhiều người ra nhận hàng hỗ trợ tại lô E đường Phạm Văn Chí, P.7, Q.6.

ẢNH: THẠCH TRUNG

Dịch Covid-19 trong nhiều tháng liền được Việt Nam cũng như các tỉnh thành kềm tỏa và khống chế rất tốt. Không phải ngẫu nhiên mà trải qua 2 đợt dịch bùng phát, Việt Nam đã có gần 3 tháng hồi phục, không có ca nhiễm trong cộng đồng bởi quyết tâm của Đảng, Chính phủ, các cơ quan liên quan cũng như ý thức cao của người dân. Tết nguyên Đán cũng cận kề thế nhưng chỉ cần sự vô ý thức về cách ly của cá nhân, cuộc sống của nhiều người đã phải đảo lộn. 
Bộn bề vẫn ở phía trước với nhiều người...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.