Lớp học tình thương của những cô giáo về hưu

04/12/2020 10:24 GMT+7

Không đành lòng nhìn những em khuyết tật không thể đến trường, cô Phạm Thị Kim Tuyến (ở xã Tịnh Giang, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) cùng 5 đồng nghiệp đã về hưu mở lớp dạy học.

“Mai mốt em đi làm lo cho ba mẹ”

Lớp học được mở từ năm 2018, có 15 học sinh và luôn duy trì ở sĩ số này từ đó đến nay. Lớp chỉ dạy vào các buổi sáng thứ hai, tư và sáu hằng tuần. Khác với các lớp học bình thường, lớp của cô Tuyến và các đồng nghiệp tập hợp những em học sinh bị dị tật bẩm sinh. Có em bị thiểu năng, có em chân tay dị tật, có em không thể nghe nói được...
Để học sinh tập làm quen với cây bút, quyển vở, các cô giáo phải đến từng bàn để cầm tay các em. Những ngày đầu tuy rất nhiều khó khăn, nhưng dần dần có nhiều em đã tự cầm bút và có thể làm toán. Hiện tại đã có 6 em biết đọc và hầu hết cũng đã biết tất cả các chữ cái.
Trong lớp, học sinh nhỏ nhất 6 tuổi, lớn nhất 30 tuổi. Lúc đầu nhập học, các em đều chưa biết gì nhưng sau thời gian dài học tập, mỗi em đều có kỹ năng sống nhất định. Các em không còn một mình đi lang thang và ăn thức ăn bẩn khi gặp trên đường. Một số phụ huynh chia sẻ các em rất ham học, cứ đòi bố mẹ đưa đến lớp để gặp cô giáo và đồng thời cũng rất lễ phép thưa chào người lớn mỗi khi ra khỏi nhà.
Những ngày mới đến học, nhiều em còn nhút nhát, nhưng nay đã dạn dĩ hơn và không còn sợ sệt nữa. “Bây giờ các em luôn vui vẻ mỗi khi tới lớp và rất thích chơi đùa với bạn bè”, cô Nguyễn Thị Kim Hương cho biết. Em Phạm Nhất Duy, học sinh nhỏ nhất trong lớp, gặp chúng tôi cứ líu lo: “Em đi học sớm nhất, cô cho em điểm cao nhất. Mai mốt em làm công nhân, lo cho ba mẹ”.
Nhắc đến cái duyên mở lớp học đặc biệt, cô Tuyến kể: “Khi đi thăm lớp học dành cho trẻ em khuyết tật ở một số địa phương khác, tôi nghĩ tại sao không xây dựng lớp học dành cho các em khuyết tật ở xã Tịnh Giang. Thế là tôi về kêu gọi các chị em trong ngành đã về hưu cùng nhau mở lớp học”.

“Luôn mong các em giỏi hơn”

Khi mới mở lớp, kinh phí để duy trì lớp học do các cô tự bỏ tiền túi. Khi cần mua nhu yếu phẩm hay vật dụng trong lớp, các cô gom góp với nhau. Về sau có một số nhà hảo tâm đến thăm, chia sẻ với những khó khăn của lớp học đặc biệt này nên đã đầu tư bằng một số hiện vật và tiền mặt.
Gắn bó với những học trò đã lâu, các cô giáo luôn mong muốn học trò của mình tiến bộ từng ngày. “Lúc nào cũng muốn các em khỏe mạnh và giỏi hơn một ít là chúng tôi vui lắm rồi, vì như vậy nghĩa là chúng tôi vẫn còn cống hiến được cho xã hội, cống hiến được cho nghề dù đã về hưu”, cô Tuyến bộc bạch.
Cũng giống cô Tuyến, điều các cô giáo mong muốn nhất hiện tại là có thể đào tạo được cho các em một nghề cho tương lai của chính các em. Cô Tuyến bày tỏ: “Bây giờ chúng tôi chỉ mong được có nhà hảo tâm đầu tư trang thiết bị để có thể dạy cho các em nghề nghiệp, sau này có thể tự nuôi sống bản thân. Như thế là hạnh phúc lắm!”.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Tịnh Giang, cho biết ban đầu địa phương đã tạo điều kiện cho các cô mở lớp ở Nhà văn hóa thôn An Kim. Về sau, thấy lớp học đạt nhiều hiệu quả cho các em khuyết tật, địa phương đã sắp xếp đưa lớp học tình thương về Trung tâm hoạt động cộng đồng của nhà văn hóa xã. “Chính quyền xã ghi nhận rất cao về việc mở lớp tình thương của các cô giáo về hưu. Chúng tôi cũng mong muốn lớp học tiếp tục nhận được thêm nhiều tình cảm của các nhà hảo tâm để việc dạy và học được thuận lợi hơn”, ông Tâm nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.