Cô giáo xin được dạy tiếp chương trình giáo dục phổ thông mới

20/08/2021 18:51 GMT+7

Trải qua một năm vất vả nhưng khép lại bằng cảm xúc tự hào khi 100% học sinh dân tộc thiểu số đã hoàn thành chương trình lớp 1, cô Phạm Thu Huyền xin được dạy tiếp chương trình giáo dục phổ thông mới (CT GDPT 2018)

Dùng ngôn ngữ cơ thể để dạy thanh điệu môn tiếng Việt

Năm học 2020-2021 cô giáo Phạm Thu Huyền - giáo viên trường Tiểu học Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) được Ban giám hiệu trường Tiểu học Bảo Toàn (huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng) giao nhiệm vụ dạy lứa học sinh đầu tiên thực hiện CT GDPT 2018. Lớp của cô phụ trách có 10 học sinh, tất cả đều là trẻ dân tộc Tày, Nùng, H’Mông, Dao, Sán Chỉ. Ngày đầu đến lớp, nhiều em còn nói chưa sõi tiếng “phổ thông” - tiếng Việt, chưa nhớ bảng chữ cái, lại rụt rè, nhút nhát. Cô giáo 9X đã phải nỗ lực rất nhiều để dạy học hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh.
Đã tham gia nhiều khóa tập huấn về CT GDPT 2018 do Sở/Phòng GDĐT phối hợp với trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên tổ chức; trước năm học mới cũng hoàn thành bồi dưỡng cho giáo viên đại trà modul 1 “Hướng dẫn thực hiện CT GDPT 2018”, cô Huyền linh hoạt điều chỉnh nội dung, sáng tạo cách dạy để phù hợp với học sinh.
“Khi học vần, các em rất khó khăn trong việc phân biệt, phát âm thanh điệu. Tôi đã nghĩ ra cách sử dụng ngôn ngữ cơ thể để học trò học dễ hơn. Ví dụ, thanh sắc thì chỉ tay lên cao, thanh bằng thì tay song song mặt đất, thanh ngã thì tay uốn lượn, thanh nặng thì nhún người xuống. Học sinh của tôi đã rất hào hứng học và phân biệt, phát âm thanh điệu tốt hơn. Nhiều em về nhà còn thực hành nội dung học này với bố mẹ, cảm giác vui như khi các em được chơi trò chơi”, cô giáo Huyền nói.
Từ những kiến thức về phương pháp dạy học tích cực được “làm giàu” thêm ở modul “Sử dụng phương pháp dạy học và giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh tiểu học”, cô đã vận dụng hiệu quả vào việc tổ chức những tiết dạy sinh động, lôi cuốn sự hứng thú và tăng khả năng tiếp nhận của học trò. Giờ học của cô Huyền, học sinh thường xuyên được chơi các trò chơi để ôn tập kiến thức cũ hay khám phá bài học mới. Các phương pháp đóng vai, vấn đáp, làm việc nhóm… được nữ giáo viên linh hoạt sử dụng để phù hợp với từng nội dung bài giảng, đối tượng học sinh.
“Khi học vần ui, ưi, sách giáo khoa có yêu cầu học sinh nghe nói đoạn hội thoại của Gió gửi thư của Núi cho Mây. Tôi đã cho học sinh đóng vai các nhân vật này và nói chuyện với nhau. Sử dụng phương pháp đóng vai này, học sinh của tôi vừa phát triển được vốn ngôn ngữ, mà khả năng giao tiếp cũng tiến bộ hơn”.

Ghi nhật ký từng tuần để đánh giá tiến bộ của từng học sinh

Thực hiện Thông tư mới với sự nghiên cứu kỹ lưỡng và kiến thức tích luỹ được từ modul bồi dưỡng về “Kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực”, cô Huyền chủ động lựa chọn các phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá phù hợp cho từng giai đoạn. Thời gian đầu khi học sinh đọc viết chưa tốt, cô chủ yếu đánh giá bằng lời nói, giúp các em dễ tiếp thu, ghi nhớ và điều chỉnh việc học. Giai đoạn sau cô viết lời nhận xét vào vở của học sinh; cho các em tự nhận xét hoặc nhận xét lẫn nhau; kiểm tra viết, vấn đáp…
Mỗi tuần, nữ giáo viên đều ghi nhật ký về từng học sinh để đánh giá được sự tiến bộ của mỗi em và khuyến khích học sinh phát huy các điểm mạnh cũng như hỗ trợ học trò phát triển các năng lực, phẩm chất còn chưa tốt.
Nhìn lại một năm dạy học theo chương trình mới có những lúc vất vả, thất vọng khi đã nỗ lực nhưng học sinh chưa tiến bộ như mong muốn. Tuy nhiên, khép lại năm học với kết quả 50% học sinh đều được đánh giá “hoàn thành tốt”, không em nào bị mức “chưa hoàn thành”, và học sinh giai đoạn đầu đọc viết rất kém sau lại được nhà trường chọn đi thi chữ đẹp; cô giáo 9X Phạm Thu Huyền cảm thấy hạnh phúc, tự hào.
Không chọn con đường dễ là dạy tiếp lớp 2 cho lứa học sinh đã hình thành và phát triển tốt các năng lực, phẩm chất theo yêu cầu của CT GDPT mới, cô giáo Phạm Thu Huyền xin phép nhà trường cho dạy tiếp học sinh lớp 1 năm học 2021-2022. Nữ giáo viên cho biết, cô muốn trải nghiệm lại những khó khăn của năm qua và tìm kiếm ra giải pháp mới để dạy học được hiệu quả. “Tôi muốn hiểu rõ và trải nghiệm nhiều hơn CT GDPT mới. Tôi thấy chương trình này rất phù hợp, hữu ích và thiết thực cho sự phát triển của học sinh. Tôi sẽ nghiên cứu lại các modul bồi dưỡng, học hỏi thêm kinh nghiệm, cách làm hay của đồng nghiệp, để áp dụng hiệu quả vào việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh”, nữ giáo viên nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.