Cho con nhỏ bơi thủy liệu tại nhà, nguy hiểm khó lường?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
11/07/2023 09:43 GMT+7

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip hướng dẫn cho con bơi thủy liệu tại nhà. Tuy nhiên, việc này gây ra nhiều tranh cãi.

11d8578f716fa131f87e.jpg

Một phụ huynh chia sẻ hướng dẫn bơi thủy liệu tại gia trên TikTok

CHỤP MÀN HÌNH

Giật mình khi thấy da con tím tái

Sau khi xem những clip cho con bơi thủy liệu tại gia trên TikTok, chị N.T.N.N (30 tuổi), ngụ Q.5, TP.HCM, đã lập tức đi mua bể bơi phao cao hơn 1 m về để bắt chước cho con làm theo. "Con mình mới 5 tháng tuổi. Mình nghe nói cho con bơi thủy liệu sẽ giúp bé phát triển về thể chất, trí tuệ, tăng chiều cao về sau", chị N. nói.

fda779e05f008f5ed611.jpg

Những clip khoe con bơi thủy liệu trên TikTok

CHỤP MÀN HÌNH

Theo chị N. cứ cách 2-3 ngày chị sẽ cho con bơi thủy liệu. "Thi thoảng, mình thấy bé bị sặc nước nhưng chắc không sao, có thể do bé hoạt náo quá nên nước mới văng tung tóe vào mặt", chị N. kể.

Tương tự, anh L.H.P (29 tuổi), làm viên chức tại Q.10, TP.HCM, cũng cho con 4 tháng tuổi của mình bơi thủy liệu tại gia. "Mình thấy các clip trên mạng, nhiều phụ huynh nước ngoài cho con vài tháng tuổi bơi lội tung tăng trong bể thậm chí còn thả xuống hồ rồi bé bơi tung tăng, rất khỏe mạnh…", anh P. cho hay.

Và thế là, anh P. cũng sắm sửa các dụng cụ như: phao tròng cổ, bể bơi mini, đồ chơi để tập bơi thủy liệu cho con. "Nhưng khi cho con bơi khoảng 30 phút thì mình thấy da con bị tím. Lúc đó, mình hoảng hồn mới bế con ra và quấn khăn sưởi ấm", anh P. kể lại.

Trong khi đó, hiện nay, các khóa trải nghiệm bơi thủy liệu được nhiều nơi giới thiệu rầm rộ trên mạng với mức giá vài trăm ngàn đồng cùng những lời quảng cáo như: giúp bé ăn ngon, ngủ sâu hơn do giải phóng năng lượng trong quá trình vận động dưới nước; bé giảm ốm vặt, nâng cao sức đề kháng; cải thiện khả năng nhận thức và phát triển vận động nhờ các thao tác cầm nắm cũng như di chuyển dưới nước...

Anh Lê Quang Luận, huấn luyện viên bộ môn bơi tại Trung tâm thể dục thể thao Q.10, TP.HCM, cho hay bơi thủy liệu được hiểu nôm na là dùng nước để điều trị. Đối tượng là trẻ vài tháng tuổi. Nơi bơi thường trong bể nhỏ, bé được trang bị phao cổ, người hướng dẫn phải có chuyên môn. Đây là phương pháp giúp bé tiếp xúc, cảm nhận, làm quen với nước từ đó mới tiến đến bước học bơi.

"Thường người hướng dẫn sẽ ẵm hoặc ôm bé rồi thả từ từ xuống để cho bé làm quen với môi trường nước. Lúc này, cổ bé ở trên mặt nước còn tay chân và thân ở dưới mặt nước, tự do vùng vẫy cùng với áp lực nước từ đó giúp ích cho hệ tiêu hóa, tuần hoàn, hô hấp, cũng như tác động tích cực đến sức khỏe tổng thể của trẻ sơ sinh. Trong quá trình bơi, phụ huynh có thể chuyện trò, kết hợp một số động tác massage cho bé. Nhớ giữ ấm cho bé sau khi bơi thủy liệu. Mỗi tuần nên cho bé bơi 3-4 lần, mỗi lần không quá 1 giờ", anh Luận nói.

Dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con trẻ?

Nói về việc phụ huynh cho con bơi thủy liệu tại gia, bác sĩ chuyên khoa nhi, Nguyễn Trần Bảo Khanh, Bệnh viện Q.7, TP.HCM, cho hay bơi thủy liệu là một phương pháp bơi nổi, sử dụng lực đẩy của nước để massage cho bé kết hợp với sự thoải mái vận động tay chân giúp cho việc tuần hoàn máu và mang lại nhiều lợi ích khác. 

"Ở nước ngoài, đa số những phụ huynh cho con bơi thủy liệu ở nhà đã học qua các khóa học liên quan, được huấn luyện thuần thục các kỹ năng về sơ cấp cứu cơ bản. Những dụng cụ như phao, bể bơi mini… đều được chọn lọc cẩn thận. Nước tắm trong bể phải đạt chuẩn chất lượng: sạch và nhiệt độ phù hợp", bác sĩ Khanh cho biết.

Bác sĩ Trần Văn Công, công tác tại phòng khám nhi SunShine TP.HCM, cũng cho biết bơi thủy liệu là phương pháp xuất phát từ nước ngoài. Trong quá trình hoạt động, người ta đã chuẩn bị kỹ càng từ đội ngũ, thầy thuốc, người chăm sóc đến đội ngũ kỹ thuật, đội bơi, tất cả rất chu đáo, đảm bảo kinh nghiệm trước khi đưa một đứa trẻ vào bể bơi.

Cho con bơi thủy liệu tại nhà, hãy cẩn thận... - Ảnh 3.

Vấn đề bơi lội của con nhỏ được nhiều phụ huynh hiện nay rất quan tâm

TẤN ĐẠT

Bác sĩ Khanh thì chia sẻ: "Ở Việt Nam chưa có lớp huấn luyện cho phụ huynh về bơi thủy liệu tại gia. Mặt khác, họ thường thấy những clip hướng dẫn về nội dung này trên mạng rồi bắt chước làm cho con mình. Như thế rất dễ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con trẻ".

Bác sĩ Khanh cũng chỉ ra cặn kẽ đối với trẻ sơ sinh (từ lúc sinh đến 28 ngày tuổi) thì phụ huynh không nên cho bơi thủy liệu tại nhà, vì trẻ em trong giai đoạn này đặc biệt nhạy cảm, dễ bị nhiễm trùng, các bé có thể bị viêm da mẫn cảm dị ứng nếu nước không đủ sạch, có thể hít sặc nguy cơ viêm phổi hít, hay các tai nạn xấu hơn là bị tím tái, ngạt nước. Những đứa trẻ bơi thủy liệu rất năng động, có thể cựa quậy nhiều khi xuống nước, hay khi các mẹ dùng phao dạng tròn quấn quanh cổ bé có thể bị khó thở đuối sức… 

8ded8ef48a145a4a0305.jpg

Bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trần Bảo Khanh

NVCC

Bác sĩ Khanh cho rằng nên chọn những nơi dạy bơi thủy liệu uy tín, có giấy cấp phép của Bộ Y tế vì nơi đây sẽ có đội ngũ chuyên nghiệp, am hiểu về kiến thức thủy liệu, kỹ năng cấp cứu chuyên ngành sơ sinh và giai đoạn thích hợp nhất cho bé tham gia bơi thủy liệu là từ 2 đến 36 tháng tuổi. 


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.