TNO

Chiếc trực thăng nổi tiếng nhất nước Anh

20/07/2016 08:53 GMT+7

(Tin Nóng) Chiếc trực thăng Sea King số hiệu ZA298 của Hải quân Anh từng trải qua các cuộc chiến từ Falklands/Malvinas đến Iraq, Afghanistan nay được đưa vào viện bảo tàng.

(Tin Nóng) Chiếc trực thăng Sea King số hiệu ZA298 của Hải quân Anh từng trải qua các cuộc chiến từ Falklands/Malvinas đến Iraq, Afghanistan nay được đưa vào viện bảo tàng.

Trực thăng Sea King ZA298 nay được trưng bày ở bảo tàng FAAM tại Somerset, Anh - Ảnh: FAAM

Theo Express ngày 18.7, đây là chiếc trực thăng nổi tiếng nhất của nước Anh, và sau khi bay chuyến cuối cùng đã được đưa vào viện bảo tàng Fleet Air Arm ở Ilchester, Somerset.

Chiếc trực thăng Sea King Mk4 này do hãng Westland chế tạo năm 1980 và đưa vào phục vụ cho đội biệt kích hải quân. Chiếc Sea King này từng tham chiến ở Falklands/Malvinas, ở Bosnia, Bắc Ireland, qua 2 cuộc chiến tranh vùng Vịnh và cuối cùng ở Afghanistan. 

Đầu năm 2016, trực thăng lừng danh số hiệu ZA298 này hết hạn hoạt động và sau khi bay chuyến cuối đã được bảo tàng Fleet Air Arm (FAAM) mua để trưng bày.

Các trực thăng của đội biệt kích thường được dùng để thả họ xuống các cánh rừng khi chiến đấu, nên ZA298 còn có biệt danh “Vua của biệt kích rừng già”.

ZA 298 lần đầu tiên tham chiến trong cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 - Ảnh: FAAM

Theo ông Dave Morris, nhà phục chế của bảo tàng FAAM, Sea King ZA298 là một con ngựa thồ đích thực, có mặt mọi nơi và làm mọi thứ. Ngay khi vừa đưa vào sử dụng năm 1980, chiếc ZA298 được tung vào cuộc chiến tranh với Argentina ở quần đảo Falklands/Malvinas năm 1982 và lãnh chấn thương khi bị hai chiếc phản lực Sky Hawk của Argentina bắn thủng một lỗ dài 0,6 m ở cánh quạt chính. “Việc máy bay không bị rơi chứng tỏ sự bền bỉ và chất lượng của nó”, ông Morris nói.

Vài năm sau, chiếc ZA298 bị trúng hàng loạt đạn khi tham gia cứu phụ nữ và trẻ em trong cuộc chiến ở Bosnia những năm 1990.

Sau đó ZA298 tham gia 2 cuộc chiến vùng Vịnh, tác chiến ở Bắc Ireland và sang Afghanistan năm 2011.

Phần thân phải gần buồng lái của ZA298 bị hư hại do đạn RPG của quân Taliban bắn trúng năm 2011 ở Afghanistan - Ảnh: FAAM

Tại Afghanistan, vào năm 2011, chiếc trực thăng này bị quân Taliban bắn trúng bằng súng phóng lựu (RPG, tức B-41) khi đang đậu trên mặt đất khiến máy bay thủng một lỗ bên thân phải, và phi hành đoàn bị thương. Ban đầu người ta tính bán nó làm sắt vụn, nhưng các kỹ sư Hải quân Anh đã nỗ lực sửa chữa và phục hồi, giúp nó hoạt động trở lại trong Lực lượng trực thăng biệt kích ở căn cứ không quân hải quân tại Yeovilton, Anh.

Đây cũng là chiếc trực thăng được chọn rước đuốc Olympic bay trên sông Thames ở London vào năm 2012, và sau cùng là bay biểu diễn với Lực lượng trực thăng biệt kích ở Yeovilton.

Chiếc Sea King Mk 4 nổi tiếng này chính thức về hưu cũng chính thức chấm dứt kỷ nguyên hoạt động của loại trực thăng Sea King chế tạo lần đầu từ năm 1969.

ZA 298 vận chuyển đại bác cho quân Anh ở cuộc chiến Falklands/Malvinas năm 1982 - Ảnh: FAAM

Trực thăng Sea King do Westland (Anh) chế tạo theo giấy phép nhượng quyền của Sikorsky (Mỹ) trên cơ sở trực thăng S-61, nên còn gọi là WS-61 Sea King, có chức năng chống tàu ngầm, và phiên bản vận tải chở quân gọi là Sea King Commando.

WS-61 Sea King dài 17,02 m, cao 5,13 m, đường kính cánh quạt chính 18,9 m, phi hành đoàn 2 - 4 người. Trực thăng này nặng 6,4 tấn, nếu dùng vận tải có thể chở 3,6 tấn hàng hoặc 28 lính trang bị đầy đủ, tốc độ tối đa 208 km/giờ, tầm hoạt động 1.230 km, trần bay 3 km. Khác với phiên bản gốc S-61 của Mỹ, loại Sea King của Anh đa năng hơn, ngoài chức năng chống ngầm còn có thể tác chiến độc lập, làm máy bay cảnh báo sớm, tìm kiếm cứu hộ, vận tải… và còn trang bị radar tìm kiếm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.