Bất chấp nguồn gốc người mẫu, 'Chân dung nàng Lieser' của Gustav Klimt bán 32 triệu USD

25/04/2024 07:49 GMT+7

Bức 'Chân dung nàng Lieser' của danh họa Gustav Klimt (1862-1918) vẽ dở dang một phụ nữ trẻ trước khi họa sĩ Áo qua đời, được bán đấu giá hôm 24.4 ở Vienna (Áo) với giá 32 triệu USD, bất chấp những câu hỏi về nguồn gốc người mẫu và quyền sở hữu trước đó.

Theo nhà đấu giá Im Kinsky, tác phẩm của Gustav Klimt từ lâu bị thất lạc nhưng thực tế được treo trong một biệt thự tư nhân gần Vienna trong nhiều thập kỷ. Nhà đấu giá Im Kinsky đã trưng bày tác phẩm vào tháng 1.2024 trước khi đem đấu giá. Im Kinsky ước tính giá trị của nó vào khoảng 32 - 53 triệu USD.

Bức Chân dung nàng Lieser

Bức Chân dung nàng Lieser

THE WASHINGTON POST

Chân dung nàng Lieser thể hiện cô gái tuổi teen trong chiếc váy màu ngọc lam, bên ngoài là áo khoác hoa bồng bềnh trên nền đỏ, làn da trắng như thạch cao và đôi mắt nâu nhạt cùng mái tóc xoăn đen.

Mặc dù miêu tả rất rõ ràng nhưng vẫn chưa rõ "Lieser" thực sự là ai.

Hai anh em Adolf và Justus Lieser là những nhà công nghiệp giàu có ở Đế quốc Áo -Hung, đã xây dựng cơ nghiệp nhờ trồng đay và cây gai dầu, sản xuất sợi xe và dây thừng. Henriette Amalie Lieser-Landau, biệt danh "Lilly", kết hôn với Justus và sau đó khi ly hôn vào năm 1905, trở thành một người bảo trợ nổi tiếng cho nghệ thuật. Có thể bà đã đặt bức tranh về một trong những cô con gái của mình. Hoặc Adolf Lieser cũng làm như vậy với chủ đề là con gái Margarethe của ông.

"Theo nghiên cứu xuất xứ mới nhất, người mẫu của Gustav Klimt có thể không phải là Margarethe Constance Lieser, cháu gái của Lilly Lieser, mà là một trong hai cô con gái của bà (với Justus): con gái lớn Helene sinh năm 1898, hoặc con gái nhỏ Annie - thua chị 3 tuổi", nhà đấu giá cho biết trên trang web.

Buổi đấu giá bức Chân dung nàng Lieser

Buổi đấu giá bức Chân dung nàng Lieser

REUTERS

Điều gì đã xảy ra với bức tranh sau cái chết của Gustav Klimt vào năm 1918, khi lẽ ra nó vẫn ở trong xưởng vẽ của ông? Đặc biệt là điều gì đã xảy ra sau khi Đức Quốc xã sáp nhập Áo vào năm 1938, người Do Thái ở nước này bị đàn áp, sung công tài sản và đưa đến các trại tập trung?

Margarethe rời Áo đến Hungary sau đó là Anh nhưng nhà đấu giá cho biết bức tranh có thể chưa bao giờ rời Áo. Lilly Lieser ở lại Vienna cho đến khi bị trục xuất vào năm 1942 và sau đó bị giết ở Auschwitz vào năm sau.

Im Kinsky cho biết các con gái của bà trở về Vienna sau Thế chiến thứ hai để đòi lại tài sản nhưng bức tranh không được nhắc đến trong bất kỳ tài liệu nào.

Khi họa sĩ Gustav Klimt qua đời vì đột quỵ vào tháng 2.1918, bức tranh vẫn ở trong xưởng vẽ của ông với một số chi tiết nhỏ chưa hoàn thiện. Sau đó nó được trao cho gia đình Lieser.

Nhà đấu giá Im Kinsky xác nhận: "Chính nhiều điều mơ hồ và khoảng cách lịch sử đã thúc đẩy các chủ sở hữu hiện tại liên hệ với những người thừa kế hợp pháp của gia đình Lieser, đồng ý về một 'giải pháp công bằng và chính đáng' với tất cả chủ sở hữu vào năm 2023". Im Kinsky không nêu tên chủ sở hữu hiện tại của tác phẩm.

Bức tranh từ lâu đã bị cho là thất lạc. Người giữ bức tranh là thành viên của một gia đình Áo gốc Do Thái giàu có, thuộc tầng lớp thượng lưu của xã hội, sống ở Vienna, nơi Gustav Klimt tìm thấy những người bảo trợ và khách hàng của mình. Nhà đấu giá xác nhận bức tranh được bán thay mặt cho các chủ sở hữu người Áo ẩn danh, cùng với những người thừa kế hợp pháp của gia đình Lieser.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.