Án tham nhũng, kinh tế: Kê biên cả ngàn bất động sản, vàng, ô tô, du thuyền

12/05/2024 14:49 GMT+7

Cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên 1.386 bất động sản, 153 kg vàng, 27 ô tô, 7 tàu chở dầu, 1 du thuyền… trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Trong báo cáo gửi trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đề cập tới công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, nhất là về tham nhũng, kinh tế.

Thu hồi, tạm giữ, kê biên khối tài sản khổng lồ

Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay, tính từ 1.10.2023 đến 31.3.2024, ngành kiểm sát đã kiểm sát việc thi hành án đối với 679.962 việc, tương ứng hơn 415.574 tỉ đồng về thi hành án (tăng 8,7% về số việc); trực tiếp kiểm sát 521 cuộc tại các cơ quan thi hành án dân sự (tăng 22,6%); ban hành 245 văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tự kiểm tra, cung cấp tài liệu.

Án tham nhũng, kinh tế: Kê biên cả ngàn bất động sản, vàng, ô tô, du thuyền- Ảnh 1.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí

GIA HÂN

Ngành kiểm sát cũng đã kiểm sát 381.056 quyết định về THADS (tăng 12,4%); thông qua kiểm sát, phát hiện 6.022 quyết định của cơ quan THADS có vi phạm, 373 việc kê biên, định giá, bán đấu giá, xử lý tài sản vật chứng có vi phạm; đã yêu cầu cơ quan thi hành án ra 21 quyết định thi hành án, quyết định cưỡng chế đối với 35 việc; ban hành 61 kháng nghị, 715 kiến nghị yêu cầu cơ quan thi hành án khắc phục vi phạm (kiến nghị tăng 9,7%). Tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị được chấp nhận, thực hiện đạt 99,1% (vượt 19,1% so với chỉ tiêu của Quốc hội).

Đối với án tham nhũng, kinh tế, cơ quan chức năng đã thu hồi thông qua công tác THADS hơn 10.000 tỉ đồng trong tổng số hơn 53.600 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 18,8%).

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi hơn 29.600 tỉ đồng trong tổng số hơn 701.000 tỉ đồng (đạt tỷ lệ 4,22%).

Ngoài ra, các cơ quan tố tụng còn tạm giữ, kê biên, tạm ngừng giao dịch nhiều tài sản khác như: 1.386 bất động sản; hơn 1,1 tỉ cổ phần; 7,1 triệu USD; 10 triệu yen Nhật; 153 kg vàng; 36 laptop; 27 ô tô; 7 tàu chở dầu; hơn 1,2 triệu lít dầu DO; 227.204 lít xăng; 59.105 m2 đất; 1 du thuyền; 17 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Một số vụ án có tỷ lệ thu hồi tài sản cao. Trong đó, vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, các bị cáo đã tự nguyện nộp 8.645 tỉ đồng.

Hay như vụ án liên quan Công ty Xuyên Việt Oil và một số tỉnh, thành cơ quan điều tra đã tạm giữ 134 sổ tiết kiệm với tổng số tiền 1.320 tỉ đồng...

Số lượng việc và tiền phải thi hành ngày càng tăng

Cũng liên quan đến công tác THADS, Tổng cục THADS thuộc Bộ Tư pháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn hệ thống THADS đã thi hành xong 242.304 việc và hơn 47.500 tỉ đồng.

Riêng án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác thi hành án, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng), toàn hệ thống đã thi hành xong 2.278 việc và hơn 12.800 tỉ đồng.

Kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo, cũng đạt nhiều kết quả tích cực.

Án tham nhũng, kinh tế: Kê biên cả ngàn bất động sản, vàng, ô tô, du thuyền- Ảnh 2.

Trong vụ án Tân Hoàng Minh, các bị cáo bị tạm giữ và nộp lại hơn 8.600 tỉ đồng, đủ để khắc phục hậu quả vụ án

PHÚC BÌNH

Ông Mai Lương Khôi, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nhận định số lượng việc và tiền phải thi hành có xu hướng ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp có số lượng người, tài sản phải thi hành án rất lớn.

Vì thế, ông Khôi yêu cầu các cơ quan THADS tập trung giải quyết các vấn đề về biên chế, nguồn lực con người; trong đó tăng cường rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp chi cục, phòng chuyên môn; tăng cường kiểm soát, kiểm tra sát sao với những vụ án lớn, giá trị thi hành cao để đảm bảo tiến độ thi hành.

Với án tín dụng ngân hàng, ông Khôi đề nghị cơ quan THADS phải tổng hợp, đánh giá, làm rõ những vướng mắc, khó khăn; trách nhiệm của các đơn vị liên quan để có giải pháp khắc phục.

Với án hành chính, thứ trưởng cho rằng các cơ quan THADS cần chủ động đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để thực hiện công tác này.

11 công chức cơ quan THADS bị điều tra

Báo cáo của Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay, công tác THADS vẫn còn để xảy ra một số vi phạm pháp luật, điển hình như: vi phạm trong việc tiếp nhận, thụ lý đơn yêu cầu thi hành án; vi phạm trong phân loại, xác minh điều kiện thi hành án; một số đơn vị để xảy ra vi phạm pháp luật trong việc xử lý vật chứng; ủy thác và nhận ủy thác thi hành án; việc hoãn, áp dụng biện pháp cưỡng chế và đình chỉ thi hành án; thu, quản lý và xử lý tiền, tài sản thi hành án...

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành kiểm sát đã tích cực phối hợp với cơ quan THADS thực hiện nhiều biện pháp bảo đảm công tác THADS, hành chính tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật.

Đặc biệt, Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã thụ lý, điều tra 11 vụ/11 bị can là công chức cơ quan THADS về các tội: tham ô tài sản; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.